Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 13:43 (GMT +7)
Ngành Tài nguyên và Môi trường cần chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường
Chủ nhật, 31/12/2023 | 14:44:55 [GMT +7] A A
Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Tài nguyên và Môi trường. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2023, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 3 Nghị định, 3 Quyết định đã được ban hành; đã ban hành theo thẩm quyền 19 Thông tư giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn, rút ngắn thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường kỷ cương trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, đánh giá việc xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.
Đối với công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ tập trung xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ 08/08 quy hoạch cấp quốc gia, 10/15 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong đó, lập Quy hoạch không gian biển quốc gia là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở nước ta (Quy hoạch đang được Ban cán sự đảng Bộ trình, xin ý kiến của Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội).
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, Bộ đã đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Theo đó, trong tổng số 178 thủ tục hành chính được rà soát, Bộ sẽ thực hiện bãi bỏ, đơn giản hóa 153/178 thủ tục hành chính (đạt 85%). Chỉ số cải cách hành chính của Bộ năm 2022 (PAR-index) đạt 86,59/100 điểm, xếp thứ 6 trên tổng số 17 các Bộ, cơ quan ngang bộ, tiếp tục duy trì thứ hạng so năm 2021; Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Bộ năm 2023 đứng thứ 3/17 Bộ, ngành (có dịch vụ công).
Bộ đã vận hành các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản trị, làm việc của Bộ, Ngành tài nguyên và môi trường trên môi trường điện tử, trực tuyến; nền tảng kết nối, tích hợp dữ liệu của Bộ đã tích hợp với nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, với 240 dịch vụ, 10.878.577 giao dịch; số lượng văn bản điện tử (ký số) gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nội bộ là 95.018 văn bản.
Bộ cũng đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06/CP). Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, trên cả nước đã có cơ sở dữ liệu của 450/705 huyện; đã kết nối cơ sở dữ liệu đất đai của 63/63 tỉnh, thành phố với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 461/705 quận/huyện, 6.198/10.599 phường/xã, tổng số hơn 26 triệu thửa đất; cơ bản hoàn thành thí điểm làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai tại tỉnh Hà Nam và thành phố Hà Nội.
Đối với việc phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh đồng thời với việc hoàn thiện, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện; hướng dẫn, phối hợp các địa phương thực hiện tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình trọng điểm quốc gia: Cao tốc bắc-nam phía đông, sân bay Quốc tế Long Thành... Thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, toàn Ngành đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922ha.
Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, kê khai, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cả nước đã cấp được hơn 44 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đã cấp giấy chứng nhận đạt trên 23,6 triệu ha, chiếm tỷ lệ khoảng 97,6% diện tích cần cấp.
Đến nay có 455/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp; 46/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ quan Đăng ký đất đai với cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã kết nối được dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã; 34/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương với hệ thống một cửa điện tử của địa phương…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình năm 2023, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, trong đó vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề lớn, mang tính toàn cầu, toàn dân; cạnh tranh chiến lược trên thế giới gay gắt, xung đột cục bộ tăng lên… Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang hội nhập tích cực thế giới, bên cạnh thuận lợi thì cũng chịu nhiều tác động bất lợi. Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế nhỏ, xuất phát điểm thấp, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế, chúng ta đạt được thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng, báo cáo các cân đối lớn; kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài dưới ngưỡng cảnh báo của Quốc hội; giữ tỷ giá ổn định; lãi suất đang giảm dần; thu hút vốn FDI tăng, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài… Trong khó khăn, người dân, doanh nghiệp chúng ta lại càng nỗ lực hơn, tăng cường tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng khẳng định, trong kết quả chung của cả nước có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích này của Bộ Tài nguyên và Môi trường; nêu rõ, chúng ta không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác vì tình hình còn khó khăn, không tự mãn, không say sưa với những thắng lợi; phải luôn bình tĩnh, sáng suốt, kiên định đường lối, chủ trương của Đảng, đường lối độc lập, tự chủ của đất nước, bảo vệ lợi ích của Đảng, người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thủ tướng nêu rõ, tài nguyên đất đai rất quan trọng đối với sự phát triển, xã hội nhưng cũng rất phức tạp; chúng ta phải xây dựng được bộ Luật về đất đai đi vào cuộc sống, tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn vì thực tiễn nhanh hơn dự báo. Do đó chúng ta phải tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa bảo đảm tiến độ, đặt chất lượng lên hàng đầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu, nòng cốt trong xây dựng Luật này. Trong quá trình đó, chúng ta không nên cầu toàn, không nóng vội; cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh, đa số đồng tình thì luật hóa.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành nói chung, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng chú trọng công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và phải được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý tốt hơn; nâng cao ý thức xây dựng cơ sở dữ liệu, từ đó chúng ta mới có đối sách, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế để ngành Tài nguyên và Môi trường nhận thức rõ và có giải pháp khắc phục.
Về các nhiệm vụ và giải pháp năm 2024 của ngành Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng nhấn mạnh:
Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy, công tác cán bộ; phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; xem đây là yếu tố quyết định sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật; trước mắt phải tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, bảo đảm nắm bắt hơi thở của cuộc sống, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất; triển khai Luật tài nguyên nước (sửa đổi); xây dựng Nghị định của Chính phủ triển khai Luật này; đồng thời, tổ chức xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội trong năm 2024; tiếp tục rà soát tháo gỡ các vướng mắc ở các văn bản dưới Luật để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, trong quá trình xây dựng pháp luật thì phải chú ý phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới; phân bổ nguồn lực; thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra; cắt giảm hết các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết gây sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí của người dân, doanh nghiệp.
Tập trung điều tra, đánh giá các nguồn tài nguyên; dự báo các thách thức để đề xuất các giải pháp chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước; tiếp tục tổ chức hiệu quả việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Triển khai tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, ít phát thải để tiến tới nhân rộng cho cả nước; hiện đại hóa, tăng dày mạng lưới khí tượng thủy văn, trạm ra đa, mạng lưới quan trắc, nâng cao chất lượng dự báo. Triển khai kế hoạch hành động thực hiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái và triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; trong đó cần có các dự án, chương trình cụ thể, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ này.
Hoàn thiện thể chế đồng bộ để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, đối tác quốc tế; tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, theo đó cần tập trung cho thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, huy động nguồn lực thực hiện, đặc biệt là coi trọng xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện tốt Đề án 06 với Bộ Công an.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành Tài nguyên và Môi trường cần đoàn kết tốt, phối hợp chặt chẽ, chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền trên tinh thần đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn, hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn, phấn đấu đạt kết quả năm sau cao hơn năm trước.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()