Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:21 (GMT +7)
Ngành nông nghiệp xây dựng nền tảng dữ liệu số
Thứ 2, 10/10/2022 | 08:01:08 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số là yêu cầu phát triển tất yếu của các ngành kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp. Tại Quảng Ninh, mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được đặt ra với nhiều phần việc cụ thể, trong đó đặc biệt tập trung vào việc xây dựng nền tảng dữ liệu số để phục vụ quản lý ngành. Đáng mừng là từ đầu năm đến nay, tiến trình chuyển đổi số ngành NN&PTNT diễn ra tích cực hơn, đạt được những kết quả khá rõ nét.
Xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu là nền tảng đầu tiên của chuyển đổi số, cơ sở để phát triển kinh tế số nông nghiệp. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các ngành sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản đều tập trung triển khai việc cấp và quản lý mã số vùng trồng và vùng nuôi trồng thủy sản. Việc này cho phép khách hàng toàn cầu thông qua môi trường mạng có thể truy xuất các thông số nguồn gốc, quy trình sản xuất, tình hình sinh vật gây hại, mức độ sử dụng phân, hóa chất trên nông sản… để nhập khẩu nông sản của tỉnh.
Tính đến hết tháng 9 vừa qua, 11 vùng trồng đã được cấp mã, bao gồm các vùng trồng quế, ba kích, trà hoa vàng, ổi và lan hồ điệp. Kết quả này gần bằng kết quả cấp mã vùng trồng giai đoạn 2018-2021 cộng lại. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 25 mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT triển khai thí điểm mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS. Đây là phần mềm được các bạn hàng quốc tế sử dụng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quyết định việc nhập khẩu hàng hóa vào nước mình.
Chi cục Thủy sản cũng đẩy mạnh việc cấp và quản lý mã số đăng ký nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh đã có 281 cơ sở được cấp mã số đăng ký nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.807ha, đạt 35,28%. Hiện Chi cục Thủy sản còn đang phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý quản lý nuôi tôm nước lợ, tham mưu xây dựng hệ thống quản lý hoạt động khai thác hải sản tỉnh Quảng Ninh.
Riêng việc xây dựng hệ thống quản lý hoạt động khai thác hải sản tỉnh Quảng Ninh được kỳ vọng là bước tiến mới trong số hóa công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Cái hay của hệ thống này là thông qua App trên điện thoại và phần mềm định vị, các chủ tàu cá có thể cập nhật thông tin trong App thay vì phải ghi chép sổ nhật ký hành trình, thiết bị cũng tự cập nhật vị trí khai thác, thả neo của tàu. Cùng với đó, hệ thống này còn đưa ra những thông số về địa hình và nguồn lợi thủy sản, giúp chủ tàu cá cân nhắc trong khai thác đạt hiệu quả cao.
Góp phần xây dựng và phát triển nền tảng cho chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung rà soát, thống kê các cơ sở chăn nuôi, cơ sở buôn bán thức ăn chăn nuôi để cập nhật dữ liệu phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu chung. Đến nay, đã rà soát và gửi dữ liệu của 403/1.244 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, trong đó 3 trang trại quy mô lớn, 85 trang trại quy mô vừa, 315 trang trại quy mô nhỏ.
Tương tự, ở lĩnh vực lâm nghiệp, việc xây dựng và số hóa dữ liệu thể hiện ở việc các đơn vị chuyên môn rà soát dữ liệu 3 loại rừng và quản lý tài nguyên rừng. Các thông số diễn biến rừng được tích hợp vào bản đồ đất đai của tỉnh.
Cùng với đó, hiện dự án kiểm kê rừng tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện thủ tục đấu thầu và ký hợp đồng, dự kiến hoàn thiện xong trong tháng 12/2022. Dự án cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng trên bản đồ và trên thực địa hoàn thành sẽ xác định được cụ thể ranh giới các loại rừng, xác định được chủ quản lý rừng, qua đó làm dữ liệu đầu vào cho phần mềm theo dõi diễn biến rừng.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là tiến trình thực hiện xuyên suốt, liên tục và ngày càng phải tăng cường. Cùng với xây dựng và phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, tới đây sẽ là những yêu cầu ngày càng cao hơn về phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; phát triển kinh tế số nông nghiệp; phát triển nông dân số và nông thôn số.
Từ yêu cầu nói trên cho thấy, để số hóa nông nghiệp Quảng Ninh cần có sự quan tâm lớn hơn từ tỉnh, ngành, các đơn vị chuyên môn, đồng thời cần vào cuộc cao hơn, trách nhiệm và chuyên nghiệp hơn từ chính các doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()