Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:27 (GMT +7)
Ngành nông nghiệp Hải Hà tập trung khắc phục hậu quả bão số 3
Thứ 6, 13/09/2024 | 16:37:33 [GMT +7] A A
Bão số 3 đã gây thiệt hại về cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn. Hiện nay các ngành chức năng huyện Hải Hà đang tập trung khắc phục và hỗ trợ người dân.
Theo thống kê của UBND huyện Hải Hà, tính đến hết ngày 10/9, bão số 3 đã gây thiệt hại về cây cối, hoa màu trên địa bàn. Cụ thể, hơn 973ha rừng sản xuất (keo, bạch đàn) bị gãy đổ, 1.612 cây xanh tại các trục đường giao thông, khuôn viên các cơ quan, trường học bị gãy đổ, 605 cây ăn quả bị gãy đổ; 149ha lúa bị ngập cục bộ, đổ rạp; 6,7ha mía, 7,4ha hoa màu khác bị gãy đổ; 2 tấn cá ao nuôi nước ngọt bị chết do mất điện (tại xã Đường Hoa). Khu vực nuôi trồng thủy sản tại Bò Vàng, Cửa Hẹp (xã Cái Chiên) có 15 hộ với tổng số 51 ô lồng bè bị thiệt hại (gồm cá giò, cá song, cá sủ gạo) ước tính 13,72 tỷ đồng; ước tính có 135ha giàn nuôi hàu, hà bị thiệt hại, tương đương khoảng 13,5 tỷ đồng...
Để sớm ổn định đời sống của nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, huyện Hải Hà đã chỉ đạo các xã trên địa bàn phân công ngay cán bộ xuống đến thôn, bản, vùng có nguy cơ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; tăng cường thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, các đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Ngay sau khi bão tan, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã huy động các lực lượng triển khai dọn dẹp, vệ sinh môi trường, cắt dọn cây xanh đổ, gãy tại các cơ quan, trường học, khu vực công cộng và hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do bão gây ra.
Ông Bùi Thế Hiệp, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để tập trung khắc phục hậu quả và đảm bảo các hoạt động sau bão số 3, phòng đã phối hợp địa phương hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp khắc phục đối với cây trồng sau bão. Như: Thực hiện và sử dụng các biện pháp phục hồi đối với cây trồng và vật nuôi. Đặc biệt đối với toàn bộ diện tích lúa mùa bị ngập lụt cần nhanh chóng khơi thông mương, cống rãnh để nước thoát nhanh; diện tích lúa bị đổ cần tháo cạn nước trong ruộng và tiến hành các biện pháp giúp lúa tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng thời tuyên truyền, vận động bà con nông dân bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, sâu đục thân, chuột... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả đảm bảo năng suất, sản lượng lúa vụ mùa theo kế hoạch đề ra. Hiện một số diện tích lúa bị ngập úng đến nay đã trở lại bình thường.
Theo ông Đặng Tuấn Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, trên địa bàn xã có khoảng 576ha rừng keo của bị gãy đổ, hiện người dân đã có giải pháp tự khai thác bán tận thu, những diện tích rừng trồng mới bị đổ bật gốc, người dân cũng khắc phục xong.
Song song với đó, để tránh nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan sau đợt mưa, lũ do ảnh hưởng của bão số 3, huyện Hải Hà cũng đã chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, xử lý môi trường sau mưa lũ; tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc...
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()