Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:52 (GMT +7)
Ngành Nông nghiệp quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng
Chủ nhật, 27/06/2021 | 22:05:43 [GMT +7] A A
Với tốc độ tăng trưởng GRDP ấn tượng 4,02% trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được duy trì ổn định, đạt “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã nhanh chóng đặt ra các mục tiêu, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả.
Trong 6 tháng đầu năm, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, từ trồng cây truyền thống sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế; đồng thời tập trung cải tạo cơ cấu giống và áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, việc tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh đã đem đến những mùa vụ bội thu cho người nông dân. Kết thúc vụ Đông xuân 2020-2021, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt gần 33.200ha, vượt 3,9% so với kế hoạch; sản lượng lương thực ước đạt 103.788 tấn, vượt 0,3% so với kế hoạch, tăng 0,8% so với cùng kỳ; tổng diện tích cây ăn quả đạt trên gần 7.000ha, cho sản lượng gần 17.500 tấn.
Đối với ngành chăn nuôi, phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, tập trung chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao. Một số chỉ tiêu của ngành chăn nuôi cũng tăng so với cùng kỳ 2020 như: Đàn lợn đạt khoảng 293.300 con, tăng 10% so với cùng kỳ; đàn gia cầm đạt gần 4 triệu con, tăng 4% so với cùng kỳ; đàn bò đạt khoảng 38.000 con, tăng 32,8% so với cùng kỳ; riêng đàn trâu giảm, có gần 32.800 con, bằng 89,1% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 48.500 tấn, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm 6 tháng cuối năm 2020 diễn biến phức tạp; toàn tỉnh ghi nhận trên 70 ổ dịch, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ. Sở NN&PTNT đã khẩn trương triển khai xử lý các ổ dịch, tăng cường tiêm vắc-xin để kiểm soát dịch bệnh.
Đối với ngành lâm nghiệp, diện tích trồng rừng tăng mạnh do điều kiện thời tiết thuận lợi, các địa phương bắt đầu triển khai phát triển lâm nghiệp bền vững với diện tích trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa ngày càng phổ biến. Theo đó, trồng rừng tập trung ước đạt gần 10.800ha, tăng 9% so với kịch bản tăng trưởng, tăng 5% so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt khoảng 294.400m3, tăng 68,2% so với cùng kỳ; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%.
Đối với ngành thủy sản - một trong những lĩnh vực mũi nhọn của Nông nghiệp, sản lượng cũng tăng cao. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 68.700 tấn, tăng 3% so với kịch bản tăng trưởng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác đạt gần 35.800 tấn, sản lượng nuôi trồng ước đạt 32.900 tấn với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 17.200 ha. Đánh giá nguyên nhân tăng trưởng của ngành thủy sản, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng: Một phần do doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản đã tập trung đầu tư, áp dụng các giải pháp kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, phát triển nuôi biển nhất là các đối tượng nuôi chủ lực. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế chính sách liên kết sản xuất đã giúp các doanh nghiệp đầu tư mở rộng thêm diện tích nuôi trồng, tăng năng suất và sản lượng.
Mặc dù có sự tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất và tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, dịch bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi khiến không ít hộ dân chịu thiệt hại, gây tổn thất không nhỏ cho ngành chăn nuôi. Ngoài ra, một số hạn chế đã tồn tại trong ngành Nông nghiệp vẫn chưa được khắc phục như: Sản xuất còn manh mún, chậm áp dụng KHKT; tăng trưởng nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào số lượng, còn chất lượng chưa ổn định và bền vững; công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư chưa khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực...
Dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2021, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch là nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 3,5%.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung vào nhóm chất lượng cao, hướng đến sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC... Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được ưu tiên. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại; tiếp tục di chuyển các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư; phát huy hiệu quả hệ thống các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch... Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tiếp tục thực hiện trồng và chăm sóc rừng tập trung, triển khai các dự án, đề án phát triển lâm nghiệp bền vững; đẩy mạnh kinh tế rừng gắn với vùng chuyên canh, tập trung những loại cây lâm sản ngoài gỗ có thế mạnh của tỉnh. Riêng ngành thủy sản sẽ tiếp tục có nhiều chính sách ưu tiên tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng và đánh bắt sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư mở rộng vùng nuôi trồng tập trung, theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh, nuôi an toàn sinh học, tập trung vào các đối tượng chủ lực, đặc sản địa phương để nâng cao năng suất và sản lượng...
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()