Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:14 (GMT +7)
Chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong mùa mưa bão
Thứ 2, 22/08/2022 | 12:30:28 [GMT +7] A A
Sản xuất nông nghiệp ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi thời tiết, nhất là mưa bão. Để bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản và cây trồng, ngành Nông nghiệp đã và đang cùng chính quyền địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống mưa bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cơn bão số 2 vừa qua (Mulan) đã gây ra hoàn lưu mưa. Từ ngày 10-12/8/2022, trên địa bàn xảy ra mưa vừa, mưa to và giông; mực nước ở 30 hồ chứa nước lớn, vừa đều ở mức cao, đạt 84,8% tổng dung tích thiết kế. Đến nay, nguồn nước ở các hồ chứa và các sông, suối đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt... Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của mùa mưa bão, ngành Nông nghiệp có nhiều khuyến cáo với nông dân. Ông Đào Văn Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết: Hiện người dân đã bắt đầu gieo cấy vụ thu - đông; diện tích lúa mùa trên địa bàn khoảng 22.200ha. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đến cây trồng, bà con cần khẩn trương khơi thông kênh mương nội đồng, các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Đối với diện tích lúa trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh cần tranh thủ thời tiết tạnh ráo khẩn trương cấy, dặm tỉa để đảm bảo mật độ hợp lý. Trong trường hợp xảy ra ngập úng, phải tiêu thoát thật nhanh theo phương châm “Vùng trũng tiêu nước trước, vùng cao tiêu nước sau, lúa mới cấy tiêu nước trước, lúa cấy sớm tiêu nước sau”.
Đối với cây rau, màu, người dân cần vét sâu các rãnh luống, đào sâu các đầu luống để thoát nước nhanh, kịp thời khi bị ngập, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối rễ, thối cây; thu hoạch nhanh diện tích cây rau, màu đến kỳ cho thu hoạch; che chắn cho các loại rau ăn lá, chằng buộc gia cố lại giàn.
Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả, khẩn trương cắt tỉa, chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đổ gãy. Đối với cây đang mang quả, nếu đến kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm trước khi mưa bão xảy ra, tỉa bỏ bớt quả trên chùm để giảm va đập gây hư hỏng hoặc rụng; vun cao xung quanh tán, chủ động xẻ mương, khơi thông rãnh thoát nước...
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, trên khu vực Biển Đông có khoảng 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó có khoảng từ 4-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tổng lượng mưa tại khu vực phía Bắc trong tháng 8 là từ 120-450mm, trong tháng 9 từ 100-450mm, trong tháng 10 từ 30-1.000mm. Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, Chi cục yêu cầu các hộ nuôi chủ động gia cố bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở do mưa lũ làm thất thoát sản phẩm. Đối với vùng nuôi tôm và cá, có kế hoạch điều tiết nước trong ao nuôi để hạn chế thay đổi độ mặn do mưa lớn. Bước vào mùa mưa lũ, các thông số môi trường có sự biến động lớn làm cho tôm, cá yếu, giảm sức đề kháng. Các cơ sở nuôi cần nâng cao sức đề kháng cho tôm và cá; chủ động kiểm tra hoạt động của tôm, cá nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời; chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất.
Hiện toàn tỉnh có trên 14.500 ô lồng nuôi thủy sản, là những phương tiện, tài sản rất dễ bị ảnh hưởng, thiệt hại khi xảy ra thiên tai. Hằng năm, có từ 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản tại tỉnh vẫn có những khó khăn. Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Quảng Ninh có bờ biển dài, diện tích mặt biển rộng, lưu lượng tàu thuyền và ngư dân hoạt động lớn, song chưa có các công trình phòng tránh bão, sóng thần quy mô lớn. Công tác quản lý, kiểm soát, kêu gọi các phương tiện và ngư dân hoạt động trên biển, di dời nhân dân vùng ven biển mỗi khi có bão còn gặp nhiều khó khăn. Trang thiết bị, phương tiện đảm bảo cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy còn thô sơ, chưa bảo đảm được khi có vụ việc quy mô lớn xảy ra. Việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành chức năng chưa chủ động, linh hoạt để tạo hiệu quả đồng bộ.
Để phòng chống bão, các địa phương cần chủ động theo dõi tình hình diễn biến thời tiết; rà soát phương tiện, vật tư, trang thiết bị, phương án, kịch bản ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới; công tác tìm kiếm cứu nạn, tổ chức tuyên truyền tập huấn; quản lý đề xuất các khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn… Người dân cần nhanh chóng thu hoạch thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm; kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng...
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()