Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:30 (GMT +7)
Ngành Ngân hàng: Đồng hành cùng khách hàng vượt khó
Thứ 2, 20/12/2021 | 13:46:04 [GMT +7] A A
Suốt 2 năm qua, Quảng Ninh chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, trong đó có không ít doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc dừng hoạt động. Trước bối cảnh đó, ngành Ngân hàng Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, góp phần cùng với tỉnh hoàn thành tốt “mục tiêu kép” theo đúng kế hoạch đã đặt ra.
Từ tháng 3/2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới với lãi suất ưu đãi theo đúng Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của NHNN Việt Nam. Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ với tổng dư nợ trên 6.700 tỷ đồng; có trên 11.000 khách hàng được vay mới với tổng doanh số cho vay tính từ đầu năm đạt trên 100.000 tỷ đồng.
Song song với việc thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ, NHNN Chi nhánh Quảng Ninh cũng đã tham gia 11 buổi làm việc với doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề do tỉnh và các địa phương tổ chức. Thông qua các buổi làm việc, NHNN Chi nhánh Quảng Ninh đã giải đáp 35 kiến nghị của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đồng thời phối hợp với Chi hội Tàu du lịch Hạ Long tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với 90 doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tàu du lịch; tiếp nhận, giải đáp, xử lý 36 ý kiến, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn liên quan lĩnh vực ngân hàng. Với những kiến nghị vượt thẩm quyền, NHNN Chi nhánh Quảng Ninh đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị NHNN Việt Nam sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ cho khách hàng vay.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã tiến hành giải ngân cho 39 doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay số tiền 5,7 tỷ đồng trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 1.503 lượt người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đại diện Khách sạn Hải Yến (Công ty CP Thương mại và Dịch vụ du lịch Cẩm Phả) cho biết: Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua đã khiến cho khách sạn gần như phải tạm dừng hoạt động, trên 90% nhân viên nghỉ việc. Thế nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì chi phí nhân công, bảo trì điện, nước, cơ sở vật chất cho khách sạn. Việc được vay không lãi suất để trả lương cho người lao động đã giúp chúng tôi có thêm nguồn lực để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bên cạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của NHNN. Từ 15/7/2021, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ với mức giảm từ 0,5-1,5%/năm và triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 1-3% so với cuối năm 2020. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-8%/năm đối với ngắn hạn; 9-10%/năm đối với trung, dài hạn. Tính từ 15/7/2021 đến nay, trên địa bàn có trên 31.000 khách hàng được giảm lãi suất với tổng dư nợ khoảng 40.000 tỷ đồng, số tiền lãi lũy kế giảm là trên 102 tỷ đồng và số phí dịch vụ, thanh toán được giảm là gần 7 tỷ đồng (chủ yếu là phí thanh toán).
Đáng chú ý, để hỗ trợ cho nền kinh tế, nguồn vốn tín dụng được tập trung ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, dự án trọng điểm, khu vực kinh tế ngoài nhà nước, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đến 31/10, dư nợ ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên đạt 18.826 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2020, chiếm 13% tổng dư nợ ngắn hạn của các ngân hàng). Trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 5.188 tỷ đồng (tăng 10%); cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 1.500 tỷ đồng (tăng 43%); cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 12.127 tỷ đồng (tăng 5,5%); cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 11 tỷ đồng. Dự kiến đến 31/12/2021, dư nợ cho vay ngắn các lĩnh vực ưu tiên đạt 19.200 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2020).
Ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Trong năm 2022, để vừa tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn chuẩn bị phục hồi nền kinh tế, NHNN sẽ tiếp tục mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời cũng sẽ cắt giảm tối đa các loại chi phí để có nguồn lực tiếp tục giảm lãi suất cho vay; triển khai các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh; quan tâm dành nguồn lực ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm thực hiện tốt phương án phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()