Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 23/01/2025 16:42 (GMT +7)
Hành trình 60 năm thực hiện sứ mệnh "đi trước mở đường"...
Thứ 7, 04/11/2023 | 09:04:51 [GMT +7] A A
Lâu nay Quảng Ninh luôn được nhắc đến là tỉnh điển hình, đột phá mạnh mẽ với nhiều ý tưởng, cách làm hiệu quả trong phát triển hạ tầng giao thông. Tại các báo cáo thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh, vai trò của giao thông luôn được xác định là động lực quan trọng trong phát triển và tăng trưởng. Với tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, “Kỷ luật và Đồng tâm”, trong 60 năm kể từ thời điểm tỉnh thành lập, ngành GT-VT đã từng bước khẳng định vai trò “đi trước mở đường”.
Tiên phong trên mọi mặt trận
Nhìn lại dòng chảy lịch sử Quảng Ninh trong 60 năm qua, có thể khẳng định, tỉnh đã giành được những thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển đất nước.
Từ một địa phương khó khăn, được ví như “ốc đảo” ở khu vực phía Bắc khi đường đến tỉnh chủ yếu dựa vào tuyến QL18, thì nay Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng của khu vực, trung tâm kết nối vùng với đa dạng loại hình giao thông. Đóng góp vào kết quả này, không thể không nhắc đến vai trò của ngành GT-VT.
Ngày 20/3/1964, Ty Giao thông Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 ty giao thông Hải Ninh và Hồng Quảng. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, toàn ngành tập trung vào khôi phục hạ tầng giao thông thủy, bộ, phát triển hạ tầng vận tải phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam và tập trung chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Bến phà Bãi Cháy là một mục tiêu không kích của không quân Mỹ những năm 1964-1972. Phát huy truyền thống “Dũng cảm - Thông minh - Sáng tạo”, với quyết tâm “Chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Địch phá, ta sửa ta đi”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”... dưới mưa bom của giặc Mỹ, những cán bộ, công nhân phà Bãi Cháy vừa là chiến sĩ, vừa kiên cường ngày đêm đưa những chuyến phà chở người, phương tiện qua sông Cửa Lục an toàn.
Cùng với đó, những người thợ Xí nghiệp Đóng tàu Hạ Long đã đóng thành công 6 chiếc tàu không số cho Hải quân Nhân dân Việt Nam hoạt động hiệu quả trong tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển vũ khí góp phần cho chiến trường miền Nam giành thắng lợi.
Đất nước thống nhất chưa lâu, nhiệm vụ kiến thiết còn bộn bề trong gian khó thì tháng 2/1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của quân và dân Quảng Ninh lại diễn ra. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, toàn ngành GT-VT của tỉnh lại bước vào nhiệm vụ mới - mở đường ra phía trước góp phần cùng quân và dân Quảng Ninh giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Ở giai đoạn này, ngành GT-VT đã tạo nên các kỳ tích như hạ dốc Đèo Bụt giải quyết các điểm nghẽn trên QL18, cải tạo, mở cua dốc chữ S (Đầm Hà), dốc Bò Đái (Bình Liêu)... tạo thuận lợi cho GT-VT hàng hóa trên các tuyến quốc lộ huyết mạch 18A, 18B.
Giai đoạn đổi mới đất nước (1986-2010), thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, ngành GT-VT đã tham mưu quyết tâm phá thế cô lập, cầu hóa thay thế các bến phà, đường tràn trong tỉnh, hoàn thiện hệ thống GT-VT nội tỉnh; góp vốn cùng Trung ương xây dựng cầu Bình thông thương với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt ngành GT-VT tỉnh đã tham mưu và phối hợp xây dựng thành công cầu Bãi Cháy nối đôi bờ Cửa Lục, thỏa mãn ước mơ ngàn đời của nhân dân.
Tháng 5/2003, lễ khởi công dự án xây dựng cầu Bãi Cháy được tổ chức trọng thể tại TP Hạ Long. Đây là cây cầu dây văng 1 mặt phẳng dây, dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực có khẩu độ nhịp đạt kỷ lục thế giới về loại cầu này, hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 12/2006, sau hơn 3 năm xây dựng. Cầu Bãi Cháy được đưa vào sử dụng đã giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân Quảng Ninh, khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời cũng chấm dứt hoạt động hàng chục năm của Bến phà Bãi Cháy.
Ngoài cầu Bãi Cháy các dự án trọng điểm về GT-VT hoàn thành trong giai đoạn này như cảng Cái Lân, QL4B, cầu Vân Đồn, cầu Bang, bến xe Kênh Đồng, QL18 tránh TX Đông Triều... cũng lần lượt được triển khai và hoàn thành, đưa vào sử dụng, từng bước phát huy hiệu quả là cầu nối cho các trung tâm kinh tế, du lịch, công nghiệp của tỉnh. Đây cũng là thời điểm khởi đầu với những nỗ lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Quảng Ninh lại tiếp tục tìm tòi những cách làm mới để khai thác dư địa phát triển.
Đột phá tạo thương hiệu
Tháng 11/2010, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII được tổ chức thành công. Đại hội xác định mục tiêu “Xây dựng Quảng Ninh thực sự trở thành địa bàn động lực, năng động của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế. Đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Trong giai đoạn này, đứng trước những biến động của tình hình thế giới và trong nước, những cơ hội và thách thức mới sau hơn 20 năm đổi mới, Quảng Ninh đã có sự thay đổi đột phá về mặt tư duy phát triển. Tỉnh đã nghiên cứu một cách khoa học, nhận diện tiềm năng, thế mạnh, mâu thuẫn, thách thức, định vị lại Quảng Ninh trong tương quan với quốc gia và quốc tế, từ đó thuê các tư vấn hàng đầu thế giới lập đồng thời 7 quy hoạch chiến lược, có tầm nhìn dài hạn với định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều - Hai mũi đột phá”. Trong đó xác định giao thông sẽ là động lực đánh thức tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Bắc Tổ quốc...
Hòa chung dòng chảy và quyết tâm hiện thực hóa khát vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo, ngành GT-VT đã đồng hành cùng tỉnh, đề xuất, tham mưu nhiều ý tưởng quan trọng, đột phá, tìm cách phá thế kìm kẹp, hạn chế của hạ tầng giao thông... Những “đầu tàu” năng động thời điểm đó đã mạnh dạn, tìm tòi con đường đi riêng cho mình thông qua việc tham góp ý kiến, kinh nghiệm từ những mô hình của các nước phát triển, áp dụng thực tế với bối cảnh, địa hình của tỉnh để cùng thống nhất ý tưởng triển khai.
Quan điểm phát triển được hoạch định, đó là “dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” - đó là cách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng, công khai, minh bạch hóa quá trình phát triển để có được hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại và vượt trội trong cả nước. Tỉnh đã mạnh dạn đề xuất và là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Điều quan trọng là từ cách làm này ở Quảng Ninh, giúp nhìn thấy rõ ràng hơn sự thông suốt của dòng chảy nguồn lực xã hội sau khi những “điểm nghẽn” được khơi thông, trong đó có nhiều ý tưởng, đóng góp của ngành "đi trước mở đường".
Đến thời điểm này, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành công nhất trong phát triển hạ tầng giao thông của cả nước. Trải qua quá trình dài, đặc biệt sau hơn 10 năm nỗ lực, tỉnh đã sở hữu đường cao tốc, sân bay, cảng biển chuyên biệt, mở ra các cửa ngõ kết nối liên thông, tổng thể với khu vực, thế giới; là động lực quan trọng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế khác phát triển.
Đây đều là những công trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo của tỉnh, là huyết mạch giao thông kết nối các vùng kinh tế - văn hóa - xã hội, là các “cửa ngõ” phát triển kinh tế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và cải thiện mạnh mẽ đời sống dân sinh.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Sau hơn 35 năm đổi mới, bức tranh hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã lột xác hoàn toàn. Câu chuyện kinh nghiệm, bài học và kết quả về phát triển hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã từng được Chính phủ, Bộ GT-VT đánh giá có nhiều đột phá, bài bản, trí tuệ, phù hợp với bối cảnh, thực tế đất nước trong giai đoạn đổi mới và phát triển. Trong đó có sự đóng góp rất lớn của ngành GT-VT tỉnh nhà với vai trò tham mưu, đề xuất, thẩm định, đồng hành cùng các dự án giao thông trọng điểm, tiêu biểu, điển hình, tạo đột phá của tỉnh. Giao thông Quảng Ninh đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh "đi trước mở đường" trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của tỉnh.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()