Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:52 (GMT +7)
Ngành Công Thương: Hiện đại hoá trong giải quyết thủ tục hành chính
Thứ 3, 21/03/2023 | 06:07:00 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Sở Công Thương Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính. Từ đó, đã giúp cho doanh nghiệp, người dân hoàn thành các thủ tục nhanh gọn, chính xác, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về CCHC định kỳ hàng năm, hàng quý, trọng tâm tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của CCHC đến sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh; các nội dung Nghị quyết số 50-NQ/TU ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả TTHC, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử 9001:2015...
Sở cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa nền hành chính, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, sử dụng chữ ký số, số hoá tài liệu, hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của Sở Công Thương. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức của Sở về tính pháp lý, lợi ích của việc sử dụng kết quả giải quyết TTHC điện tử, nhằm xây dựng nền nếp làm việc văn hóa, văn minh.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện, triển khai nghiêm túc và có hiệu quả. Sở Công Thương bố trí 2 cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu chuyên môn, có tinh thần thái độ phục vụ nhiệt tình tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của các nhiệm vụ CCHC.
Đặc biệt, Sở đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo Quyết định số 1405/QĐ-UBND ngày 30/5/2022 của UBND tỉnh, tổng số TTHC cấp tỉnh thuộc lĩnh vực ngành Công Thương là 129/129 TTHC trên cổng dịch vụ công tỉnh và tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trong đó, cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 là đạt 100% TTHC. Sở phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thường xuyên cập nhật danh mục, nội dung các dịch vụ công ích cấp độ 4 trên hệ thống chính quyền điện tử để phục vụ người dân và doanh nghiệp được kịp thời; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2015 điện tử trong hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Đến nay, tổng số TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở là 146 TTHC được thực hiện ở 3 cấp. Trong đó, cấp tỉnh: 129 TTHC, tại 16 lĩnh vực; cấp huyện: 15 TTHC, tại 4 lĩnh vực; cấp xã 2 TTHC, tại 1 lĩnh vực. Thời gian thực hiện các TTHC cấp tỉnh được cắt giảm từ 1.921 ngày theo quy định xuống còn 854 ngày, cắt giảm 1.067 ngày, giảm 55,54% so quy định.
Theo thống kê của Sở Công Thương, tính từ 6/12/2022 đến ngày 5/3/2023, Sở tiếp nhận 6.115 hồ sơ, trong đó hồ sơ qua mạng 6.114 hồ sơ, bằng 99,98% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận; đã giải quyết 6.041 hồ sơ, trong đó, trước hạn 2.423 hồ sơ và trong hạn 3.618 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn 70 hồ sơ; hồ sơ giải quyết qua mạng 6.040 hồ sơ, bằng 99,98 % hồ sơ đã giải quyết. Trong kỳ, không nhận được đơn thư phản ánh, kiến nghị về TTHC.
Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chủ động cập nhật, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực ngành khi có sự sửa đổi bổ sung hoặc thay thế để kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành theo các quy định; thường xuyên cập nhật, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn và TTHC, văn bản của Chính phủ, Bộ Công Thương và bộ, ngành liên quan đến việc đơn giản hóa TTHC. Đồng thời, duy trì việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC, nhất là trong giai đoạn hiện nay, để góp phần giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()