Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:43 (GMT +7)
Bình Liêu: Ngân vang “bản tình ca” bốn mùa
Thứ 3, 16/04/2024 | 16:21:09 [GMT +7] A A
Triển khai Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, địa phương đã tăng cường những giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến bốn mùa hấp dẫn trên bản đồ du lịch Quảng Ninh.
Thúc đẩy phát triển du lịch mùa xuân - hè
Bình Liêu từ lâu đã trở thành lựa chọn hàng đầu của du khách khi du lịch vào mùa thu - đông với những trải nghiệm độc đáo, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp của mùa lúa chín vàng trên ruộng bậc thang, mùa hoa lau, hoa sở, mùa lá đỏ lãng mạn nhuộm sắc núi đồi bao la miền biên giới.
Song du lịch mùa xuân - hè ở Bình Liêu chắc chắn cũng khiến du khách không thể chối từ với không gian thiên nhiên khoáng đạt, đầy sức sống của mùa cỏ xanh dọc tuyến đường biên giới cùng sắc màu tinh khôi của hoa mận, hoa đào, hoa trẩu, hoa sim hòa trong không khí tưng bừng, rộn ràng những ngày hội truyền thống của đồng bào nơi đây.
Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên Bình Liêu tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2024, diễn ra từ ngày 18/4 đến 12/5, gắn với Hội Soóng cọ giao duyên của người Sán Chỉ tại xã Húc Động, Hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán tại xã Đồng Văn và dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5.
Đến với Bình Liêu dịp này, du khách sẽ được tham gia, khám phá, trải nghiệm rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Nổi bật, tham gia Ngày hội Di sản Then (ngày 4/5), Hội Soóng cọ (ngày 18-24/4) với các hoạt động văn hóa, sinh hoạt đặc trưng của người Sán Chỉ, như: Giải bóng đá nữ, giao lưu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, giao lưu hát đối đáp giao duyên, trưng bày không gian văn hóa, ẩm thực, nghi lễ cầu may, trưng bày giới thiệu quy trình nghề chế biến miến dong…; Hội Kiêng gió (ngày 11-12/5/2024) với điểm nhấn là các hoạt động chợ phiên tại Đồng Văn, thi và biểu diễn thêu trang phục dân tộc Dao Thanh Phán, giao lưu văn nghệ, thể thao…
Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Chuẩn bị cho mùa du lịch hè năm nay, Bình Liêu tập trung triển khai 2 sản phẩm du lịch mới, gồm du lịch đi bộ xuyên rừng trải nghiệm thể thao, thiên nhiên và thể thao bóng đá nữ gắn với hình ảnh người phụ nữ dân tộc Sán Chỉ xã Húc Động trong trang phục truyền thống (áo xanh, váy đen, đầu đội mấn). Đây là những hoạt động độc đáo đã diễn ra thời gian qua tại Bình Liêu, nhận được sự yêu thích đặc biệt của du khách. Vì vậy, huyện tập trung khai thác, nâng tầm thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu giao lưu, trải nghiệm của du khách.
Cùng với đó, Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao đậm nét, tiếp tục quảng bá mạnh mẽ về vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên, con người Bình Liêu. Đồng thời, gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách, khai thác tối đa tiềm năng du lịch bốn mùa của địa phương.
Đồng bộ các giải pháp
Với mục tiêu đưa hoạt động du lịch đi vào chiều sâu, có chất lượng, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn riêng có của địa phương dựa trên 3 trụ cột “thiên nhiên, văn hóa, con người”, Bình Liêu đang nỗ lực tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới đa dạng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, phù hợp nhu cầu từng dòng khách. Theo đó, huyện đã xây dựng, phân chia sản phẩm du lịch theo từng nhóm cụ thể, gồm: Du lịch cộng đồng; du lịch văn hoá tâm linh và lịch sử; du lịch biên giới; du lịch nông nghiệp; du lịch mạo hiểm; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương qua các hoạt động xúc tiến du lịch, các trang thông tin truyền thông, mạng xã hội; phối hợp với các địa phương trong tỉnh dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái trong việc xây dựng các chương trình quảng bá, liên kết phát triển du lịch vùng, sản phẩm du lịch biên giới.
Đồng thời, tập trung nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu thuyết minh các điểm đến trong Khu du lịch Bình Liêu thành nguồn tài liệu thống nhất dùng cho đội ngũ hướng dẫn viên giới thiệu đến du khách, cung cấp cho các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; xây dựng clip từ 3-5 phút có phụ đề tiếng Anh, tiếng Trung quảng bá du lịch Bình Liêu với chủ đề “Bình Liêu - Bản tình ca bốn mùa”.
Xác định việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng du lịch là động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển du lịch, Bình Liêu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và thu hút đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông qua các tuyến, điểm du lịch; các dự án trong Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, gồm: Xây dựng và cải tạo chợ Đồng Văn, khu du lịch săn mây Cao Ly, đồi hát Soóng Cọ, khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp…
Đồng thời, ưu tiên triển khai nguồn lực xây dựng bản văn hóa - du lịch tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn theo đề án đã được thông qua, từng bước xây dựng thành điểm tham quan, du lịch cộng đồng, tiếp đến là các bản văn hóa - du lịch thôn Lục Ngù (xã Húc Động) và thôn Sông Moóc (xã Đồng Văn).
Với những giải pháp đồng bộ, tin tưởng du lịch Bình Liêu tiếp tục có bước khởi sắc trong năm 2024, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón 250.000 lượt khách (trong đó, khách lưu trú đạt 80.000 lượt, khách quốc tế đạt 7.000 lượt), tổng doanh thu đạt trên 243 tỷ đồng, tạo động lực đưa du lịch bứt phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()