Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:39 (GMT +7)
Ngăn tai nạn từ dữ liệu camera giám sát, được không?
Thứ 6, 17/06/2022 | 16:14:42 [GMT +7] A A
Vụ tai nạn giữa xe khách và xe máy khiến 4 người chết tại Ninh Bình cho thấy, xe khách có lắp camera giám sát hành trình và đã đi sai lộ trình.
Câu hỏi đặt ra là liệu có thể khai thác dữ liệu từ thiết bị này để ngăn ngừa những vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra?
Những đơn vị nào nắm được dữ liệu?
Trong vụ TNGT xảy ra tại TP Ninh Bình giữa ô tô khách giường nằm BKS 37B-028.06 và xe máy BKS 35H3-9850 xảy ra ngày 13/6/2022 khiến 4 người tử vong, ông Hoàng Đình Hoàn (chủ xe khách) thừa nhận tài xế đã điều khiển xe đi sai lộ trình, đi vào đường cấm.
Sau tai nạn, nhiều người đặt vấn đề: Doanh nghiệp chủ quản của chiếc xe hoặc các đơn vị chức năng có thể khai thác dữ liệu từ camera giám sát trên chiếc xe để ngăn chặn việc chạy sai lộ trình hoặc tốc độ một cách tức thời được không? Bởi, nếu can thiệp được, rất có thể vụ tai nạn đã không xảy ra.
Theo Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ VN
Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục CGST), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để thực hiện quản lý Nhà nước về trật tự, ATGT, an ninh, trật tự, thuế.
Mỗi xe khách phải lắp camera theo dõi ghi hình được các khu vực trên xe như khoang hành khách, vị trí lái xe, vị trí khách lên xuống.
Trong quá trình xe hoạt động, camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh về trung tâm với tần suất 3-5 phút/lần. Các đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ khi xe chạy cự ly đến 500km, tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500km.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình được truyền về hệ thống của Tổng cục Đường bộ VN để lưu giữ chung.
Các sở GTVT địa phương sẽ được cấp tài khoản và mã đăng nhập vào kho dữ liệu này để theo dõi hoạt động của các phương tiện, cả ở thời gian thực cũng như dữ liệu trích xuất tổng hợp.
“Thông thường dữ liệu trích xuất tổng hợp sẽ được rà soát lại và thống kê sau mỗi tháng, tuy nhiên cũng có trường hợp do ảnh hưởng của đường truyền các phương tiện, việc tổng hợp mất nhiều thời gian hơn.
Thông qua dữ liệu này, các sở GTVT địa phương có thể phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm trong thời gian thực hoặc trích xuất dữ liệu để xử lý theo từng tháng”, ông Thủy cho biết thêm.
Cũng theo ông Thủy, trách nhiệm giám sát các phương tiện thông qua thiết bị giám sát thuộc doanh nghiệp vận tải và sở GTVT các tỉnh.
“Khó đủ đường”
Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Vận tải của một Sở GTVT, việc giám sát phương tiện theo thời gian thực gặp nhiều khó khăn do mỗi tỉnh có hàng nghìn xe hoạt động kinh doanh vận tải, trong khi nhân lực làm nhiệm vụ hạn chế và không thể giám sát 24/24h.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cũng cho biết, dữ liệu chủ yếu được trích xuất và sử dụng bởi cơ quan quản lý Nhà nước khi có tai nạn để phân tích và xử lý trách nhiệm các bên có liên quan.
“Đối với chiếc xe khách gây TNGT tại TP Ninh Bình, theo Sở GTVT Nghệ An, xe này đã nhiều lần đi vào đường cấm ở nội thành TP Ninh Bình thay vì đi tuyến tránh nhưng chưa từng bị kiểm tra, xử lý. Do đó, còn cần xem xét trách nhiệm của lực lượng CSGT địa phương. Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN” |
“Đối với các doanh nghiệp, việc sử dụng GPS để nắm bắt các thông số của phương tiện như tốc độ, vị trí là phổ biến.
Tuy nhiên, các hoạt động can thiệp để xử lý các tình huống vi phạm như chạy quá tốc độ, sai lộ trình dường như chưa được thực hiện đầy đủ.
Không thể đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước đi giám sát tất cả các phương tiện để đưa ra các tác động tức thời. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên viên cao cấp JICA cho biết, hiện nay việc khai thác dữ liệu giám sát hành trình phía cơ quan quản lý Nhà nước mới chỉ dừng ở việc thu thập, lưu trữ thông tin để khi xảy ra vụ việc cần thiết sẽ trích xuất để kiểm tra, xử lý.
“Đối với công tác khai thác dữ liệu ở thời gian thực để kịp thời có cảnh báo, can thiệp ngay lập tức khi phát hiện vi phạm thì chưa làm được, bởi việc này tốn rất nhiều nhân lực do lượng phương tiện rất lớn”, ông Đức cho hay.
Theo một chủ doanh nghiệp vận tải hành khách, hiện nay doanh nghiệp đã thực hiện lắp đặt camera giám sát tài xế, cửa lên xuống và khoang hành khách, đồng thời lắp cả thiết bị giám sát hành trình theo dõi lộ trình xe chạy.
Tuy nhiên, việc giám sát lộ trình xe chạy hiện nay chưa thực hiện được như giám sát tốc độ, chưa tích hợp được cảnh báo sai lộ trình ngay tại thời gian thực.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xe khách tuyến cố định cho biết, hiện chưa có công nghệ để thực hiện việc vẽ một lộ trình cố định cho các tuyến xe, để nếu xe chạy lệch khỏi lộ trình có thể ra cảnh báo tức thời và kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh.
TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, trong tương lai, nếu phát triển và áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để máy tính thực hiện tự động theo dõi, phát hiện vi phạm và đưa ra cảnh báo trên hệ thống quản lý thì mới giúp việc khai thác dữ liệu giám sát hành trình đạt hiệu quả tốt nhất.
Tuy nhiên, để phát triển được phần mềm này rất khó, kể cả trên thế giới cũng chưa làm được.
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()