Ban tổ chức Olympic Paris 2024 cho rằng ngân sách 350 triệu USD là đủ để đối mặt với các thách thức an ninh.
Tiền cho an ninh dự tính chiếm 4,7% tổng ngân sách ban đầu 7,4 tỷ USD. Con số này chỉ cao hơn Olympic Sydney 2000 (khoảng 179,6 triệu USD). Thực tế qua các kỳ Olympic, các khoản chi phí thường tăng cao hơn kế hoạch bao gồm an ninh. Đến cuối năm 2022, chính phủ Pháp công bố chi phí đã tăng lên khoảng 8,5 tỷ USD.
Tại Olympic Athens 2004, chi phí an ninh thực tế là 1,3 tỷ USD (14% tổng ngân sách). Bắc Kinh 2008 là 6,5 tỷ USD (15,5%), London 2012 là 870 triệu USD (6%), Rio 2016 là 895 triệu USD (6,8%) và Tokyo 2020 phải tăng chi phí vì phòng dịch Covid-19 với 1,5 tỷ USD (11,5%).
TheoReuters, khủng bố và tấn công mạng là hai rủi ro an ninh chính mà Olympic 2024 phải đối mặt. Giám đốc điều hành an ninh Thomas Collomb cho biết rủi ro về khủng bố đã được lên kế hoạch, nhưng rủi ro chính là nguy cơ bị tấn công mạng và máy bay không người lái (UAV).
Thế vận hội tại Pháp đang phát động đợt thứ ba trong bốn lần đấu thầu an ninh tư nhân, dự kiến có 17.000 đến 22.000 nhân viên an ninh mỗi ngày. Quân đội Pháp có kế hoạch huy động 15.000 binh sĩ, chủ yếu được triển khai tại địa điểm tổ chức chính là thủ đô Paris. Quân đội lên kế hoạch triển khai các loại UAV giám sát không phận, máy bay chiến đấu, trực thăng trang bị hoả lực và thiết bị vô hiệu hoá UAV.
TờLe Mondecho biết Pháp thông qua dự luật mới cho phép sử dụng tạm thời camera kết hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo ở Olympic để nhận dạng gương mặt. Các nhà phê bình lo ngại điều này sẽ làm xói mòn vĩnh viễn quyền riêng tư và quyền tự do dân sự.
Sự kiện được bảo vệ nghiêm ngặt nhất là lễ khai mạc vào ngày 26/7, với một cuộc diễu hành dài trên sông Seine có khoảng 600.000 người tham dự. 30.000 cảnh sát và binh sĩ được huy động đảm bảo an ninh xung quanh. Bà Brittany Jacobs - Trưởng khoa Quản lý thể thao thuộc Hệ thống Đại học công lập Mỹ - cho biết đây là sự kiện lớn chưa từng thấy ở châu Âu xét về góc độ an ninh. "Rủi ro tiềm ẩn rất cao", bà nói với Reuters. "Nếu thành công, chúng ta sẽ nói về nó suốt nhiều thập kỷ".
Lần gần nhất một kỳ Olympic xảy ra vấn đề an ninh lớn là tại Mỹ năm 1996. Vụ đánh bom tại công viên Olympic Atalanta khiến một người thiệt mạng và 111 người bị thương. Trong khi đó, Pháp từng xảy ra vụ khủng bố vào tháng 11/2015 ở nhiều địa điểm giải trí và quán cà phê tại Paris, cùng lúc ấy, trận giao hữu giữa Pháp và Đức đang diễn ra tại sân Stade de France.
Olympic Paris khai mạc ngày 26/7 và bế mạc ngày 11/8. Sự kiện gồm 10.500 VĐV tranh tài ở 329 nội dung thuộc 32 môn. Paris là thành phố đăng cai chính, bên cạnh 16 thành phố và đảo Tahiti - thuộc Pháp nằm ở Thái Bình Dương.
Việt Nam đã có ba suất chính thức đến Paris năm sau gồm xạ thủ Trịnh Thu Vinh – 10 m súng ngắn cá nhân nữ, Nguyễn Thị Thật – đua xe đạp đường trường nữ và Nguyễn Huy Hoàng – bơi 800 m tự do nam.
Ý kiến ()