Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:19 (GMT +7)
Ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp ngại vay
Thứ 2, 03/04/2023 | 09:35:27 [GMT +7] A A
Lãi suất cho vay cao đang là cản trở lớn, tác động đến kết quả kinh doanh và khiến doanh nghiệp không dám vay bởi lo không gánh nổi lãi.
Ông Nguyễn Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhận định: Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế suy giảm nên thanh khoản ở các ngân hàng thương mại dư thừa lớn. Số dư tiền gửi tại NHNN là rất lớn, kéo dài từ tháng 2 đến nay. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm cũng giảm xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 1,2%.
“Không thể nói ngân hàng không muốn tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên nhu cầu tín dụng đang rất khó khăn khiến ngân hàng khó đẩy vốn ra” - ông Quang nói. Tuy vậy, giới kinh doanh cho rằng để đẩy vốn ra thị trường thì mặt bằng lãi suất phải hạ xuống.
Vẫn chật vật vì lãi suất cao
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh, cho biết: Công ty xuất khẩu nên có nhu cầu vay ngoại tệ. Năm 2021, lãi suất cho vay bằng USD chỉ 2,3%/năm, sang đến năm 2022 tăng lên 6,5%/năm và tháng 3 vừa qua đã bật lên tới 8%/năm.
Không chỉ gánh mức lãi suất đồng USD tăng dữ dội mà nhà xuất khẩu còn phải đối mặt với nỗi lo lỗ tỉ giá. Chẳng hạn hợp đồng xuất khẩu ký kết vào tháng 11-12 năm ngoái, thời điểm đó tỉ giá thu mua của ngân hàng dao động 24.000-24.600 VND/USD. Thế nhưng đến khi đơn hàng hoàn tất, đối tác trả tiền thì tỉ giá rơi xuống quanh ngưỡng 23.400 VND/USD.
Như vậy, so với mức tỉ giá sàn 24.000 VND/USD tại thời điểm ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác thì tới giờ công ty lỗ hơn 2% trên doanh thu. Với doanh thu trung bình đạt 30 triệu USD/tháng, khi tỉ giá giảm 2% đồng nghĩa doanh thu của công ty bốc hơi 14 tỉ đồng.
“Việc neo tỉ giá ở mức thấp khiến những nhà xuất khẩu như chúng tôi thiệt thòi quá nhiều. Trong khi đó, chúng tôi còn phải gánh thêm áp lực từ chi phí lãi vay tăng từ 6,5% lên 8%/năm. Đó là chưa kể lãi suất cho vay đồng tiền Việt cũng tăng rất mạnh thời gian qua và hiện vẫn đứng ở mức rất cao” - ông Thông nói.
Lãnh đạo một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao ở TP.HCM cũng chia sẻ đơn vị này đang phải vay với lãi suất 15%-16%/năm và chưa nhận được bất cứ thông báo nào từ phía ngân hàng là sẽ giảm lãi suất. Không chỉ lãi vay cao mà điều kiện cho vay cũng vô cùng khó khăn.
Vị lãnh đạo công ty nói thẳng: “Khi làm việc với các ngân hàng để vay vốn thì câu đầu tiên mà chúng tôi nhận được là ngân hàng hỏi có tài sản bảo đảm không. Nếu không có thì xin đừng nói gì tới việc vay vốn”.
Kiến nghị giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, giãn nợ
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM (HUBA), cho biết: Ba tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm trên 8% so với cùng kỳ. Khó khăn phổ biến là thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay và bị chuyển nợ xấu.
Nhiều ngành khác như cơ khí điện cũng đang đối mặt với tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có công ty giảm đến 50%, đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ cũng giảm 30%-40%.
Đáng chú ý, ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% công ty trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều đơn vị phá sản nếu không có gì thay đổi. Ngành bất động sản đóng băng, các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng theo. Các công ty gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 1,5%-2%.
Trước những khó khăn trên, đại diện HUBA kiến nghị NHNN có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ DN vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường.
Đáng lo ngại, hiện nay lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm nên rất khó cho DN sử dụng đòn bẩy nợ vay. Vì vậy, HUBA kiến nghị NHNN có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỉ lệ “biên độ lãi ròng” ở mức 3% để hạ lãi suất cho vay. Song song đó, thúc đẩy chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Về nhu cầu vay vốn, các DN nhỏ và vừa luôn thiếu vốn kinh doanh. Vì vậy, HUBA kiến nghị Chính phủ tháo gỡ bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường; tăng tỉ lệ bảo đảm của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hằng năm, thí điểm cho vay tín chấp và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp.
Giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất là cần thiết
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, khẳng định: Mặc dù hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất nhưng mới đây cơ quan này vẫn giảm lãi suất điều hành. Đây là thông điệp gửi đến các DN rằng lãi suất đã và đang giảm.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng tiết giảm chi phí để có thêm nguồn lực giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất bao nhiêu phụ thuộc vào năng lực tài chính của từng ngân hàng thương mại. Đối với ngân hàng thương mại nhỏ, lợi nhuận thấp thì không thể giảm nhiều được. Ngược lại, ngân hàng thương mại nhà nước thì phải làm vai trò trụ cột, dẫn dắt thị trường nên phải giảm nhiều hơn và trên thực tế các ngân hàng lớn đã giảm rồi.
Còn với những khoản vay trước đây của một số DN, hay của một số đối tượng khách hàng chưa được giảm thì đây là vấn đề cụ thể của từng DN với ngân hàng. Vì vậy, hai bên phải ngồi lại với nhau để thảo luận, giải quyết.
Liên quan đến đề xuất giãn và hoãn nợ, ông Đào Minh Tú cho biết: Căn cứ vào thực trạng khó khăn của các DN ở nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, chúng tôi nhận thấy việc giãn, hoãn nợ cho DN là việc cần thiết, sắp tới sẽ triển khai. Tuy nhiên, việc giãn, hoãn nợ liên quan đến chất lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó việc cơ cấu nợ ra sao, giãn, hoãn nợ cho đối tượng, ngành nghề nào để tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng là điều cần phải được xem xét một cách cẩn trọng.
Từ hôm nay, lãi suất điều hành tiếp tục giảm NHNN vừa cho biết từ hôm nay (3-4) sẽ giảm thêm 0,3%-0,5%/năm các mức lãi suất điều hành. Theo đó, giảm 0,5%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn; giảm 0,5%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn, kỳ hạn dưới một tháng và kỳ hạn từ một đến dưới sáu tháng. Giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại NHNN... Theo NHNN, đây là thông điệp tái khẳng định xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới của ngành ngân hàng. Qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng DN và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước đó, ngày 15-3, NHNN đã quyết định giảm lãi suất điều hành 0,5%-1%. Khó mong thời kỳ tiền rẻ sớm trở lại TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Trường ĐH Fulbright, phân tích: Trong thời gian dịch COVID-19, lãi suất tiền gửi dao động trong khoảng 7,5%, đến cuối năm ngoái tăng lên tới 10,5%/năm. Nay lãi suất tiền gửi hạ được khoảng 1%, xuống còn khoảng 9%/năm. Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể hạ xuống tối đa thêm 1% nữa, tức là còn 8,5%/năm. Lãi suất sẽ có các biến động trồi sụt chứ không phải chỉ diễn biến theo đà giảm nhưng chắc chắn khó có thể trở lại mức 7,5%/năm. “Như vậy thời kỳ tiền rẻ đã qua và thị trường sẽ buộc phải sống trong giai đoạn có mặt bằng lãi suất cao hơn. Đừng mong đợi lãi suất sẽ quay lại mức thấp như thời kỳ 2020-2021” - ông Thành nhận định. Không còn thiếu tiền cho vay Tính từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế mới đạt 1,74%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 3,49%. Như vậy, kết thúc ba tháng đầu năm nay, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Bây giờ thanh khoản của các ngân hàng dồi dào lắm. Tất cả ngân hàng thương mại hiện nay có khả năng cho vay rất nhiều chứ không còn câu chuyện cạn room tín dụng như trước nữa. Phó Thống đốc NHNN ĐÀO MINH TÚ |
Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh
Liên kết website
Ý kiến ()