Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:09 (GMT +7)
Ngân hàng tăng huy động tiền gửi cuối năm
Thứ 4, 11/12/2024 | 10:30:48 [GMT +7] A A
Đã có 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong 2 tháng qua, mức tăng từ 0,1-0,7% tùy kỳ hạn, và ngân hàng. Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi dao động từ 4,6%-5,95%/năm.
Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng trở lại, điều này tạo ra sức ép lớn với lãi suất cho vay. Đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng phải giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đã có khoảng hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong khoảng 2 tháng vừa qua, mặt bằng lãi suất tiền gửi đang có sự phân hóa khá rõ giữa các ngân hàng. Với mức tăng từ 0,1-0,7% tùy kỳ hạn, và tùy từng ngân hàng. Khảo sát ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi dao động từ 4,6%-5,95%/năm. Có sự phân hóa khá rõ nét giữa ngân hàng cổ phần nhỏ và các ngân hàng lớn. Riêng với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, 1 số ngân hàng đã đẩy lãi suất vượt quá 6%/năm, lên tới 6,5%/năm đối với các khoản tiền gửi dài hạn, 24 hay 36 tháng.
Có ngân hàng đưa ra mức cao nhất lên tới 9,5%/năm, nhưng họ sẽ có các tiêu chí riêng, như là chỉ dành cho khoản tiền gửi lớn, trên 2.000 tỷ đồng, thường dành cho các tổ chức kinh tế. Việc mặt bằng lãi suất huy động tăng lên, được nhiều ngân hàng lý giải là họ cần huy động vốn để phục vụ cho nhu cầu vay vốn đang tăng lên vào cuối năm.
Biểu lãi suất huy động của ngân hàng đã điều chỉnh tăng 2 lần. Để thu hút người gửi tiền, họ cũng cộng thêm lãi suất khi người dân gửi tiết kiệm online trên ngân hàng số.
"Chúng tôi có chương trình cộng 0,6% cho những khách hàng mới lần đầu tiên giao dịch với ngân hàng. Tất cả mặt bằng chung của các ngân hàng đều tăng và để phục vụ chung thì nhu cầu vốn của toàn hệ thống, toàn ngành cũng đều phải tăng lên", ông Đặng Quang Anh - Giám đốc BVBank chi nhánh Thủ đô chia sẻ.
Đổi mới hơn, nhiều ngân hàng đã đưa ra chương trình sinh lời tự động với số tiền nhàn rỗi để trên tài khoản thanh toán của người dùng. Như ở Ngân hàng MSB, họ chấp nhận trả lãi cho cả kỳ hạn rất ngắn, từ 3 ngày.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phó Tổng Giám đốc MSB cho hay: "Khi tài khoản số dư ở mức độ nhất định thì ngay lập tức nó sẽ giúp cho khách hàng sinh lời trong tài khoản và có thể sinh lời với kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, hoặc theo tháng, tùy theo dòng tiền của khách hàng, cái này giúp tối ưu tiền và thời hạn mà của khách hàng để tiền trong ngân hàng".
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 14 triệu tỷ đồng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng, tính đến cuối tháng 9 vừa qua.
Ngân hàng nỗ lực duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp
Với xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng gia tăng, thì nguồn tiền gửi không kỳ hạn (hay còn gọi là CASA) được xem là nguồn lực khổng lồ nếu các ngân hàng biết khai thác. Các ngân hàng chia sẻ, mục tiêu họ trả lãi cho các khoản tiền gửi ngắn ngày, vừa để tối ưu lợi ích cho người dùng, nhưng 1 mục tiêu quan trọng không kém là họ có thể thu hút nhiều người đến với ngân hàng hơn và để tiền ở đó.
Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn chỉ khoảng 0,1%-0,5%/năm, rất là nhỏ so với gửi có kỳ hạn. Do đó, càng thu hút nhiều CASA, ngân hàng càng giảm được giá vốn huy động đầu vào.
Nhìn vào kết quả kinh doanh quý 3, Tỷ lệ CASA tại nhiều ngân hàng khá cao, lên tới gần 37%. Nếu các ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn giá rẻ đầu vào, thì đây cũng chính là cách mà các ngân hàng đi tìm lời giải cho bài toán làm sao giữ được mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, mà không bị tăng theo lãi suất tiền gửi.
Ông Trần Văn Luân - Phó Tổng giám đốc thường trực PGBank cho biết: "Lượng tiền gửi không kì hạn cao giúp tiết giảm chi phí huy động vốn, từ đó sẽ giảm được chi phí lãi vay cho khách hàng, tăng khả năng cạnh trạnh cho ngân hàng. Đây cũng là mục tiêu chúng tôi đang hướng tới cao hơn trong thời gian tới để có thể cung cấp được những sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là những chính sách về giá cho khách hàng".
Tìm cách giảm giá vốn đầu vào và tiết giảm chi phí hoạt động, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói vay ưu đãi để phục vụ nhu cầu vốn cuối năm.
Bà Nguyễn Ánh Vân - Phó Tổng Giám đốc LPBank cho hay: "Chúng tôi có gói lãi suất cho vay ưu đãi ngắn hạn với giá trị 3.000 tỷ đồng, lãi suất tối thiểu từ 6% trở lên, và chúng tôi đã nâng hạn mức gói ưu đãi này lên 6.000 tỷ. Đối với khách hàng cá nhân chúng tôi cho vay mục đích tiêu dùng và vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh với lãi suất cho vay chỉ từ 6,5%".
Theo giới phân tích, dưới áp lực tăng của lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm, nhưng ít nhất, sẽ không tăng lên. Bởi các ngân hàng sẽ phải đưa ra lãi suất vay cạnh tranh để giữ chân những khách hàng vay tốt.
"Nếu chúng ta nhìn vào diễn biến của lãi suất huy động thì nó đã bắt đầu nhích tăng trở lại khoảng 59 điểm so với tháng 4, cho nên dư địa giảm không nhiều. Tuy nhiên với áp lực thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế chúng tôi đánh giá lãi suất cho vay vẫn duy trì được mặt bằng thấp", bà Hoàng Thị Minh Huyền - Chuyên viên cao cấp kinh tế vĩ mô, CTCP Chứng khoán Bảo Việt chia sẻ.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ đang dao động ở mức 6,7-9,1%/năm, nếu so với đầu năm, đã giảm khoảng 1%.
Với định hướng chỉ đạo của Chính phủ là phải cung ứng vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thì các ngân hàng cũng sẽ phải duy trì lãi suất cho vay ở mức phù hợp, cân đối giữa nguồn đầu vào và khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Bởi chỉ khi các doanh nghiệp đủ sức phục hồi thì mới có khoản vốn để trả lãi cho khoản vay ngân hàng. Hồi cuối tháng 11, Ngân hàng Nhà nước cũng ra văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()