Tất cả chuyên mục

Tính đến ngày 14/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con và đang tiếp tục nguy cơ lan rộng. Đến 16h ngày 14/3, Quảng Ninh đã xuất hiện 7 ổ dịch tại 7 xã, phường tại 4 địa phương: Đông Triều, Hải Hà, Quảng Yên và Uông Bí với 197 con lợn bị bệnh buộc tiêu hủy.
Trước sự quan tâm của người dân về vấn đề ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ 389) tỉnh đã trao đổi với phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh liên quan đến nội dung này.
![]() |
- Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về những giải pháp trọng tâm của UBND tỉnh để phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn?
+ Từ khi dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam Quảng Ninh đã có những chỉ đạo, giải pháp chủ động ngăn chặn dịch. Đặc biệt, ngay từ tháng 9/2018, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cư xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngày, 28/09/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 150-KH-UBND về Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm địa bàn tỉnh.
Khi dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục ban hành nhiều công văn chỉ đạo quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, ngày 14/3, UBND tỉnh đã ban hành công văn quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 và công điện của UBND tỉnh Quảng Ninh về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, với mục tiêu và quyết tâm không để phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn. Cùng với đó, thành lập, duy trì liên tục đoàn công tác của cấp huyện kiểm tra triển khai phòng, chống bệnh dịch và yêu cầu tất cả các xã thành lập đoàn công tác để đến trực tiếp từng hộ chăn nuôi thực hiện thống kê tình hình nuôi và yêu cầu các hộ chăn nuôi lợn phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân trong phòng dịch; theo dõi chặt chẽ tình hình đàn lợn nuôi, nếu có dấu hiệu bỏ ăn, ốm hoặc chết phải báo ngay cho cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm. UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo hoãn các cuộc họp chưa thực sự cần thiết tại cấp huyện và cấp xã để tập trung phòng, chống bệnh dịch và đề nghị bí thư các huyện, thị, thành phố phân công ngay các ủy viên ban thường vụ trực tiếp xuống địa bàn xã, phường được phân công theo dõi để chỉ đạo cụ thể, quyết liệt công tác phòng, chống bệnh dịch.
- Đồng chí có thể cho biết kết quả các hoạt động ngăn chặn, khống chế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh?
+ Cụ thể, tỉnh đã thành lập 7 chốt kiểm soát liên ngành; các địa phương trong tỉnh đã thành lập 11 chốt liên huyện; thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch; lập đường dây nóng báo cáo dịch bệnh; hướng dẫn quy trình xử lý ổ dịch. Các địa phương thành lập các tổ cơ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, cơ sở chăn nuôi, điểm tập kết, các chợ có buôn bán lợn sống, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở….
Ban chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên và BCĐ 389 từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố trên địa bàn tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng ở địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm...kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn qua biên giới, kể cả hình thức, cho tặng của tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới vào nội địa. Kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch từ biên giới và các tỉnh thành khác vào Quảng Ninh.
Cùng với đó, các địa phương đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo và bố trí kinh phí triển khai công tác ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh trên địa bàn; thành lập các tổ cơ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, cơ sở chăn nuôi, các điểm tập kết, các chợ có buôn bán lợn sống các cửa khấu, đường mòn lối mở...
Đến 16 giờ ngày 11/3/2019, các chốt kiểm soát, tổ cơ động đã kiểm soát được 235 phương tiên vận chuyển 6.235 con lợn; số xe đầy đủ giấy tờ qua chốt là 222 xe, vận chuyển 8.071 con lợn; số xe không đầy đủ giấy tờ được phun tiêu độc khử trùng, yêu cầu chủ hàng cho xe quay đầu về nơi xuất phát là 11 xe (vận chuyển 342 con lợn). Các địa phương đã chủ động kinh phí in tờ rơi phát cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn, tổng số 14.000 tờ; cấp phát 72.000 kg vôi bột và 7.089 lít hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại.
![]() |
Lực lượng chức năng tiêu hủy 375 kg lợn sống bắt giữ tại xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu ngày 27/1/2019. |
- Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ gì để tiếp tục phòng chống dịch bệnh, thưa đồng chí?
+ Tỉnh sẽ tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-ƯBND ngày 20/02/2019; Nghị quyết số 16/NQ- CP ngày 07/3/2019 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2019. Các địa phương toàn tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện Công điện khẩn số 04/CĐ- UBND ngày 22/02/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi; thực hiện tình huống 2/Kế hoạch 150/KH-UBND ngày 28/9/2018 của UBND tỉnh Kế hoạch hành đọng ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh địch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm địa bàn tỉnh. Cũng như các kế hoạch chỉ đạo của BCĐ 389 tỉnh về triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh... về ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm địa bàn tỉnh.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Tuấn Hương (Thực hiện)[links()]
Ý kiến ()