Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:03 (GMT +7)
Ngăn chặn “Vũ trường trá hình” hoạt động biến tướng
Thứ 3, 29/08/2023 | 08:48:59 [GMT +7] A A
Không thể phủ nhận kinh doanh vũ trường là loại hình kinh doanh có sức hút lớn, bởi nó không chỉ đem lại lợi nhuận “khủng” cho nhà đầu tư mà nhiều nơi loại hình này còn thu hút đông đảo du khách, đóng góp vào sự phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên, cũng vì lợi nhuận, lợi dụng kẽ hở trong hệ thống quy định của phát luật, các “Vũ trường trá hình” ẩn mình sau lớp vỏ là cơ sở kinh doanh nhà hàng, đồ uống có cồn, được đặt với vô số tên gọi khác nhau như Pub, Lounge, Bar… đang gia tăng, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ANTT.
Những yếu tố phức tạp tiềm ẩn
12h đêm, bên trên tầng 2 cơ sở kinh doanh với tên gọi Miami Lounge tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đang diễn ra các hoạt động biểu diễn như vũ trường với âm nhạc mạnh, vũ công kích thích thị giác người xem. Công an TP Hạ Long đã tiến hành kiểm tra đột xuất phát hiện và lập biên bản xử lý cơ sở này về hành vi kinh doanh bóng cười, shisha không rõ nguồn gốc xuất xứ cho khách hàng sử dụng.
Tại cơ quan Công an, nhân viên cơ sở Miami, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, Quảng Ninh thừa nhận: “Có 4 anh nam và 2-3 chị nữ vào quán gọi 1 combo rượu gồm hạt mix hoa quả với shisha, trong quá trình sử dụng thì các vị khách này có yêu cầu gọi thêm bóng cười. Thấy bình khí cười vẫn còn 2 – 3 quả nên đã xả nốt đưa cho khách sử dụng”.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý các cơ sở Pub, Lounge kinh doanh trái phép khí cười, shisha thời gian gần đây, cho thấy đây là môi trường đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT nếu không được nhận diện, phòng ngừa kịp thời.
Chỉ 6 tháng đầu năm 2023, Công an TP Hạ Long đã phát hiện, xử lý 21 vụ việc mua bán, kinh doanh trái phép khí N2O, shisha, thuốc lá điện tử tại các cơ sở kinh doang Pub, Lounge này.
Theo Thiếu tá Phạm Văn Trọng – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hạ Long, Quảng Ninh: Tại các cơ sở Pub, lounge này tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về ANTT. Thứ nhất là nguy cơ các đối tượng đến đây để lợi dụng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Thứ 2 là các đối tượng thanh thiếu niên đến đây để mua bán và sử dụng bóng cười, shisha, thuốc lá điện tử. Thứ 3 là nhiều đối tượng đến sử dụng rượu bia say có các hành vi gây rối trật tự công cộng và có thể cố ý gây thương tích.
Việc sử dụng “khí cười”, shisha nhiều năm nay dường như đã trở thành “thú tiêu khiển” trong giới trẻ khi mà “bóng cười”, shisha là mặt hàng họ có thể dễ dàng mua được ở bất cứ cuộc vui nào tại các cơ sở pub, lounge mà không lường hết được tác hại.
“Bình thường thì tôi với bạn bè vào bar với pub chơi thì cũng gọi bóng cười để vui vẻ… Ở trong bar, pub ấy thì mình mua bóng cười dễ lắm, mình gọi cái là họ phục vụ tận nơi, có ngay ấy mà” - anh Nguyễn Văn Hưng, trú tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Việc thiếu kiểm soát trong QLNN đối với các loại hình dịch vụ và thành phần tham gia sử dụng dịch vụ này, dễ tạo hiệu ứng xã hội xấu, tác động hình thành tâm lý tiêu cực, hưởng thụ trong xã hội, nhất là giới trẻ; dễ phát sinh các vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Đại tá Hoàng Quốc Văn, Trưởng Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Ninh nhận định.
Các “Vũ trường trá hình” quy mô, nhiều trang thiết bị âm thanh ánh sáng sử dụng nguồn điện, nhiều cơ sở đặt ở tầng 2, nguy cơ cháy nổ hiện hữu, thế nhưng các trang thiết bị PCCC đều rất sơ sài và ít ỏi.
“Vũ trường trá hình” nở rộ
Là thành phố phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn thành phố Hạ Long ngoài 2 vũ trường, 91 cơ sở kinh doanh karaoke, một vài năm trở lại đây, đã xuất hiện thêm 17 cơ sở kinh doanh bằng hình thức tương tự như vũ trường nhưng dưới tên gọi “Pub”, “Lounge”.
Theo ông Đỗ Văn Minh – Chủ cơ sở kinh doanh vũ trường Hạ Long New Club, TP Hạ Long: Trước đây, cả tỉnh Quảng Ninh chỉ có 2 vũ trường hoạt động thế nhưng bây giờ những loại hình tương tự như vũ trường hoạt động quá nhiều, cho nên việc kinh doanh của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn vì lượng khách rất hạn chế.
Đại diện đơn vị tham mưu chính trong quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh, Đại tá Vũ Hồng Phương – Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đối với các cơ sở như Pub, Lounge… đăng ký kinh doanh theo hình thức nhà hàng ăn uống, tuy nhiên các hoạt động đang biến tướng giống như các hoạt động của vũ trường. Các cơ sở này cũng chưa được quy định trong Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ để quản lý theo các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.
Kinh doanh vũ trường là hoạt động cung cấp sàn nhảy, sân khấu, âm thanh, ánh sáng phục vụ cho hoạt động khiêu vũ, ca nhạc hoặc chương trình nghệ thuật tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh vũ trường theo quy định tại Nghị đinh số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ và phải đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về trang thiết bị, PCCC, cơ sở vật chất cũng như con người.
Trên thế giới, Pub, Lounge được biết đến là mô hình dịch vụ ăn uống với không gian mở, thông thoáng, âm nhạc nhẹ nhàng. Tại Việt Nam, hai loại hình kinh doanh này không thuộc diện phải đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT theo quy định tại Nghị định 96. Vì vậy, chủ cơ sở kinh doanh mô hình này thường đăng ký kinh doanh theo mô hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ đồ uống có cồn, hoặc quán cafe. Nhưng trên thực tế, mỗi nhà hàng hay quán café đều "đính kèm" một “vũ trường trá hình” với tên gọi Pub, Lounge.
Đại tá Hoàng Quốc Văn, Trưởng Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Ninh nhận định: “Đối với các loại hình này, cũng là loại hình dịch vụ mới mẻ, thu hút nhiều người dân và du khách, góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy nhiều cơ sở bị lợi dụng để hoạt động lách luật, núp bóng vũ trường, sử dụng âm thanh ánh sáng cỡ đại, vũ công nhảy múa, ăn mặc hở hang, phản cảm; thậm chí nhiều cơ sở bị phát hiện như tụ điểm vi phạm pháp luật: chứa chấp khách sử dụng ma túy, các chất kích thích và một số hình thức tệ nạn xã hội gây dư luận xấu trong cộng đồng”.
Trước tình hình hàng loạt cơ sở kinh doanh karaoke phải đóng cửa vì vướng mắc đối với các quy định PCCC hiện hành thì một số cơ sở chọn cách rẽ hướng sang loại hình kinh doanh Lounge. Điển hình là cơ sở kinh doanh với tên gọi Lighthouse Lounge tại TP Cẩm Phả, Quảng Ninh. Một nhân viên của cơ sở này thừa nhận trước kia cơ sở này là cơ sở kinh doanh Karaoke MTV, tuy nhiên sau này quán đã sửa lại trở thành một “vũ trường trá hình” với tên gọi Lighthouse Lounge.
Vẫn là cơ sở vật chất cũ không đảm bảo các tiêu chuẩn để hoạt động nhưng nay đã được khoác chiếc áo mới với tên gọi khác để hoạt động dễ dàng hơn. Đó là cách mà các cơ sở Lounge, Pub biến tướng tồn tại và hoạt động.
Quyết liệt ngăn chặn
Thời gian qua, Công an tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh tăng cường công tác QLNN, hướng dẫn các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa hoạt động tuân thủ quy định pháp luật; nâng cao vai trò định hướng, giáo dục văn hóa xã hội, nhất là trong học sinh sinh viên; đồng thời tăng cường rà soát, kiểm tra, kiên quyết xử lý với các cơ sở cố ý sai phạm.
"Chúng tôi sẽ tập trung cùng với các lực lượng chức năng, đặc biệt là quản lý thị trường, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh Pub, Lounge, đặc biệt là các cơ sở đã vi phạm nhiều lần để chúng tôi tiếp tục xử phạt. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kiến nghị với các cấp, các ngành liên quan để tăng chế tài xử phạt với các cơ sở Pub, Lounge vi phạm nhiều lần. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tích cực vận động các chủ cơ sở Pub, Lounge để các chủ cơ sở này nhận thức được các quy định của pháp luật và không kinh doanh trái phép bóng cười, shisha, thuốc lá điện tử" - Thiếu tá Phạm Văn Trọng – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hạ Long, Quảng Ninh cho biết thêm.
Việc quyết liệt kiểm tra, phát hiện xử lý hay tăng cường tuyên truyền, tổ chức ký cam kết đã phần nào hạn chế các tiêu cực nảy sinh trong các cơ sở này. Tuy nhiên, những giải pháp này dường như chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề khi mà lợi nhuận từ kinh doanh các mô hình này vẫn là con số rất lớn khiến nhiều cơ sở bất chấp bị xử phạt nhiều lần. Điều đó đòi hỏi phải có một biện pháp mạnh mẽ hơn từ khâu thẩm duyệt, quản lý, đến chế tài xử phạt.
Đại tá Vũ Hồng Phương – Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đơn vị cũng đã rà soát và tập hợp báo cáo đề xuất với Bộ Công an đề xuất Chính phủ để bổ sung vào quy định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Nghị định 96.
Theo Thiếu tá Trịnh Văn Tuấn – Phó trưởng Công an thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình này, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu và đưa loại hình này vào quản lý theo ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có chế tài xử lý đủ sức răn đe để các cơ sở không hoạt động biến tướng như hiện nay.
Để kiểm soát tốt tình hình, quản lý hoạt động của loại hình kinh doanh Pub, Lounge, trước tiên và quan trọng nhất là việc nghiên cứu, sớm ban hành các quy định pháp luật quy định cụ thể đối với loại hình này. Đồng thời, mỗi đơn vị, địa phương cần nâng cao vai trò QLNN, nhìn nhận rõ bản chất từng loại hình dịch vụ, thường xuyên kiểm soát, phòng ngừa các vi phạm, tuyên truyền định hướng tư tưởng, nhu cầu sử dụng phù hợp trong xã hội, nhất là giới trẻ, để loại hình này thực sự đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao giá trị dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đời sống của nhân dân.
Quốc Xã (Công an Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()