Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 07:02 (GMT +7)
Ngăn chặn stress có thể hỗ trợ điều trị ung thư
Thứ 6, 04/06/2021 | 10:52:38 [GMT +7] A A
Stress gây hại đến sức khỏe của chúng ta. Căng thẳng và hoạt động thần kinh căng thẳng là những lý do chính dẫn đến stress. Với bệnh nhân ung thư, mắc stress có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.
PGS.TS Erica Sloan của Đại học Monash (Úc), nhà khoa học chuyên về ung thư và thần kinh học, đã nghiên cứu về cách dây thần kinh truyền tín hiệu đến các tế bào miễn dịch. Bà đã phát hiện hoạt động của dây thần kinh, tế bào, hệ thống miễn dịch, các cơ quan trong cơ thể và cả những hiện tượng sinh lý đã có phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy" trước sự tác động.
Theo bà Erica Sloan, con người và động vật có vú đã tiến hóa để có phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy" này, để khi chúng ta gặp nguy hiểm, não sẽ quyết định ta nên bỏ chạy hay tham chiến. Vấn đề sẽ xảy ra khi sự thay đổi nội tiết tố và sinh lý nhanh chóng đi kèm với phản ứng căng thẳng (kích hoạt bởi dây thần kinh), theo thời gian, có thể gây hại cho cơ thể.
Ảnh hưởng của stress đến các tế bào miễn dịch
PGS Sloan đã triển khai đề tài bảo vệ tiến sĩ tại Trung tâm Ung thư Peter MacCallum về vấn đề "lây lan" của bệnh ung thư. Sau đó, bà thực hiện các nghiên cứu sau tiến sĩ ở Mỹ về ngành thần kinh học, tìm hiểu sự ảnh hưởng của stress đến các tế bào miễn dịch trong các cơ quan bạch huyết như hạch bạch huyết.
Kết quả, bà phát hiện các tế bào miễn dịch nhạy cảm với các tín hiệu từ chất dẫn truyền thần kinh trong não, điều này ảnh hưởng đến cách một số loại virus như HIV xâm nhập vào các tế bào. Trong các nghiên cứu tiếp theo, bà phát hiện mối liên hệ giữa stress với HIV và các bệnh ung thư khác trở nên rõ ràng hơn nhiều. Cụ thể, stress có tác động lên các tế bào ung thư và khiến căn bệnh này phát triển nhanh hơn.
Theo PGS Sloan, mục tiêu của nhóm nghiên cứu là chứng minh cơ sở phân tử và tế bào của mối liên hệ này, từ đó có thể điều trị bệnh bằng thuốc. Bà cùng cộng sự đã phát hiện ra một loại thuốc điều trị bệnh tim và huyết áp cao có thể làm giảm sự phát triển của ung thư vú, đồng thời giảm khả năng tử vong của bệnh nhân ung thư vú. Đó là thuốc Carvedilol - loại thuốc chẹn beta - giúp hạn chế stress. Theo bà Sloan, thuốc chẹn beta là loại thuốc được phát minh vào những năm 1950 để ngăn tim và hệ thống tim mạch phản ứng với tín hiệu căng thẳng.
Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu dữ liệu từ bệnh viện về những phụ nữ bị ung thư vú dùng thuốc trên và nhận thấy tỷ lệ người có thời gian sống kéo dài và ung thư phát triển chậm cao hơn người không dùng thuốc. Họ cũng đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng ở Melbourne (Úc) với bệnh nhân ung thư và loại thuốc chẹn beta tương tự là Propranolol, cho kết quả khả quan không kém.
Nghiên cứu của nhóm PGS Sloan hiện tại chủ yếu giới hạn ở ung thư vú, ung thư tuyến tụy và ung thư máu. Một trở ngại lớn đối với PGS Sloan và đồng sự là xác định mức độ căng thẳng ở bệnh nhân, vì nó khác nhau ở mỗi người.
"Định lượng mức độ căng thẳng là một thách thức lớn. Vì vậy, chúng tôi đã tập trung vào cách cơ thể tiếp nhận stress - cách cơ thể đối phó với stress và tác động của stress lên cơ thể, trong đó có ung thư", PGS Sloan nói.
Mọi bệnh nhân ung thư đều hiểu về căn bệnh của mình. Khi bị bệnh, họ rất căng thẳng, nhiều người bị stress. Trong khi đó, stress làm bệnh trầm trọng hơn. Hạn chế stress có thể giúp bệnh nhân kéo dài sự sống, thậm chí khỏi bệnh, nếu được phát hiện và điều trị sớm. Do đó, theo PGS Sloan, việc điều trị ung thư không chỉ điều trị bệnh cho bệnh nhân mà còn cần quân tâm đến cả sức khỏe tinh thần của người bệnh.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()