Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 15:38 (GMT +7)
Xử lý nghiêm, ngăn chặn hiểm họa từ chó thả rông
Chủ nhật, 09/06/2024 | 16:11:53 [GMT +7] A A
Nuôi chó thả rông từ lâu đã trở thành câu chuyện nan giải, được nhắc đi nhắc lại. Chó thả rông luôn đi kèm nhiều nguy cơ, từ mất an toàn, dịch bệnh đến vệ sinh môi trường, giao thông, tiếng ồn, thậm chí xô xát giữa người nuôi và người khác.
Nhiều chuyện phiền toái
Dạo quanh một vòng qua các phố phường, đặc biệt ở các điểm vui chơi công cộng tại TP Hạ Long, dễ thấy hiện tượng chủ chó thả rông, dắt bộ chó mà thiếu các biện pháp bảo hộ; thậm chí có thể chó chưa được rà soát, tiêm phòng…
Không chỉ như vậy, nhiều người còn bị hành hạ bởi những vấn đề khác. Anh Nguyễn Minh Đức (đường Vũ Văn Hiếu, phường Hà Tu, TP Hạ Long) chia sẻ: Dù nhà ở sát đường nhưng nhiều hộ gia đình vẫn có thói quen nuôi chó. Bị nuôi nhốt, nóng bức, chúng sủa inh ỏi, nhiều khi đi làm ca về mệt, chúng tôi muốn ngủ bù nhưng lại bị đánh thức từ sớm tinh mơ. Chỉ có những hàng xóm thèm ngủ đủ giấc như chúng tôi là khổ sở. Khổ vì ồn chưa xong, chúng tôi còn khổ vì mùi hôi hám khi chó ra ngoài hoặc được tháo xích đi vệ sinh".
Câu chuyện nuôi chó hoặc thú cưng ở không gian hẹp như khu tập thể, chung cư cũng khiến nhiều người cảm thấy lo ngại. Chị Trịnh Thị Ph (khu chung cư Hạ Long, đường 25/4, tổ 14 khu 3, phường Hòn Gai, TP Hạ Long) chia sẻ: Ngày càng nhiều người có nhu cầu nuôi thú cưng để bầu bạn, trông nhà, tuy nhiên, ý thức của một bộ phận lớn chủ vật nuôi chưa cao. Hàng xóm cùng tầng chúng tôi nuôi chú chó cảnh, nhiều khi đi vắng suốt, chó bị nhốt, sủa liên tục. Đó là chưa kể vào dịp nghỉ hè, con trẻ ở nhà nhiều, mỗi khi đi qua cửa hàng xóm thấy chó không rọ mõm, nhe nanh, sủa dữ dằn khiến tụi trẻ con sợ chết khiếp, tôi cũng lo lắng".
Quả thật, câu chuyện anh Đức, chị Ph gặp phải có lẽ là chuyện mà nhiều người đã nghe từ người thân hoặc chính là “nạn nhân” của sự việc. Gây nhiều phiền toái cho người khác, tuy nhiên có lẽ đa phần mọi người coi việc chó thả rông, không rọ mõm, phóng uế… là chuyện bình thường, vì nó đang diễn ra hàng ngày. Nếu có khó chịu thì nhiều người cũng chỉ đành “ngậm bồ hòn”, không muốn mất "tình làng nghĩa xóm" chỉ vì... con chó. Vậy nên, những vi phạm liên quan việc nuôi chó mèo cứ như thế diễn ra năm này qua năm khác. Các điểm vui chơi công cộng vốn đã thiếu để phục vụ con người, nay lại trở thành “nhà vệ sinh”, nơi giải trí, thể thao của nhiều con chó không rọ mõm...
Không chỉ là vấn đề thói quen, việc nuôi chó thả rông thiếu sự kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người xung quanh còn là câu chuyện ý thức. Bản thân tôi cũng đã từng gặp phải tình huống khó xử khi cùng bạn chạy bộ trên khu vực đường bao biển thì bị một con chó của người đàn ông đi đối diện xông tới nhe nanh, dọa cắn. Theo phản xạ, tôi và bạn lùi lại, làm động tác tay, dậm chân xua đuổi… Thế nhưng, bất ngờ chúng tôi nhận được phản ứng thô lỗ, bất lịch sự, thậm chí là đe dọa của người chủ chó…
Theo các chuyên gia, chó nuôi đặc biệt là ở thành thị thường bị nhốt lâu ngày, nên khi thả hoặc cho ra ngoài chơi thường rất dữ, nguy hiểm với người xung quanh. Nhìn rộng ra nhiều nơi, có không ít sự việc đáng tiếc tương tự đã xảy ra. Nổi bật nhất là sự việc ở phường Phú Thuận, quận 7 (TP Hồ Chí Minh) khi chủ nuôi chó không rọ mõm chó, còn đánh người khác đến thương tích. Không lâu sau đó, cuối tháng 2/2024, xảy ra vụ việc chó cắn nam du khách người Anh Staker Zachary Paul (18 tuổi), khi anh này đang đi bộ trên đường phố ở Nha Trang thì bị một con chó nặng khoảng 20kg lao vào tấn công gây thương tích, phải đi cấp cứu.
Có thể thấy, việc nuôi chó thả rông đang gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh. Đặc biệt, khi hè về, tình hình bệnh dại trên toàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ đầu năm tới cuối tháng 5/2024, đã có khoảng 3.000 trường hợp phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2023. Các ổ dịch bệnh dại cũng gia tăng mạnh mẽ ở nhiều nơi, tăng mạnh so với cùng kỳ 2023.
Mạnh tay xử lý, dẹp nỗi lo cho cộng đồng và du khách
Trước thực trạng trên, sau khi tuyên truyền rộng rãi, vào trung tuần tháng 5 vừa qua, nhiều phường, xã ở TP Hạ Long đã ra quân quyết liệt xử lý chó thả rông và vi phạm của chủ nuôi chó. Chó thả rông sau khi bị bắt, các xã, phường sẽ thông báo cho những chủ nhân của số chó này lên nhận lại và đóng phạt theo quy định.
Theo đó, lần lượt các phường Hồng Hà, Giếng Đáy, Bãi Cháy... đã ra quân quyết liệt, bắt giữ, đồng thời xử phạt đối với chủ chó không tuân thủ quy định. Được biết, ngay sau các phường, xã này, các địa phương khác sẽ tiếp tục triển khai nhằm giảm thiểu tình trạng chó thả rông, đồng thời cũng là cách để thông tin, tuyên truyền tới người dân, những chủ nuôi chó chưa biết hoặc chưa quan tâm tới quy định này.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Mạnh Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (TP Hạ Long), một phường trung tâm TP Hạ Long, có nhiều điểm công cộng nơi người dân và du khách ghé thăm, chia sẻ: Chúng tôi đã lên kế hoạch, thành lập các tổ công tác, gồm lực lượng công an, trật tự đô thị cùng nhiều lực lượng chức năng khác dự kiến sẽ ra quân xử lý vào trung tuần tháng 6 này. Trước đó, để chuẩn bị cho đợt ra quân, từ tháng 5, chúng tôi đã cho tuyên truyền rộng khắp tới các tổ dân, khu phố bằng văn bản, xe phát thanh và lồng ghép vào các cuộc họp... để người dân nắm bắt, tuân thủ.
Theo Phòng Kinh tế TP Hạ Long, 33/33 xã, phường của thành phố đã thành lập tổ xử lý chó thả rông, trong đó có một số phường, xã đã thành lập tổ xử lý chó thả rông đến cấp thôn, khu. Kết quả ban đầu đã bắt và xử lý 16 con chó, mèo tại các xã, phường: Tân Dân, Hồng Hải, Hà Trung, Giếng Đáy. Trong đó, chủ nuôi của chú chó bị bắt ngày 21/5 tại phường Hồng Hải đã đến trình diện và bị xử phạt với 2 hành vi: Thả rông chó và không đeo rọ mõm cho chó. Tổng tiền phạt là 1,9 triệu đồng.
Các địa phương khác cũng tương tự. Ông Trần Mạnh Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng, cho biết: Chúng tôi sẽ ra quân xử lý quyết liệt. Với các trường hợp chó thả rông không đeo rọ mõm, không xích, không người dắt, giám sát... sẽ bị bắt và xử phạt chủ nuôi từ 1-2 triệu đồng. Nếu sau 48 tiếng thông báo, chủ chó không tới nhận, vật nuôi sẽ được tiêu hủy theo quy định".
Có thể thấy, việc ra quân quyết liệt là cần thiết. Đồng thời với đó, các phường, xã cần chủ động kiểm soát chặt từ cơ sở, từ các tổ dân, khu phố, tuyên truyền sâu rộng, trực quan bằng các hệ thống phát thanh ở cơ sở, xe lưu động, thậm chí có lẽ cần gắn biển cảnh báo, chế tài xử lý nơi công cộng… để quy định đi vào cuộc sống hiệu quả hơn.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()