Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 15:27 (GMT +7)
Ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới
Thứ 2, 27/09/2021 | 14:00:54 [GMT +7] A A
Bạo lực giới là một vấn nạn đã và đang len lỏi trong đời sống xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đời sống của con người. Bởi vậy, thời gian qua, ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới luôn được các cấp, ngành liên quan trong tỉnh quan tâm.
Các hoạt động thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình hằng năm được tổ chức rộng khắp từ cơ quan, đơn vị đến các địa phương, cao điểm trong Tháng phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam với hình thức đa dạng, phong phú. Tiêu biểu: Hội thảo "Truyền thông và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình"; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; biểu dương "Gia đình CNVC-LĐ tiêu biểu xuất sắc"; các cuộc thi sáng tác kịch bản truyền thông về quyền của phụ nữ và phòng, chống bạo lực giới; giao lưu đối thoại về bình đẳng giới; thí điểm lồng ghép bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình trong quy ước, hương ước thôn, bản, khu phố; triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình...
100% xã, phường, thị trấn đã xây dựng, triển khai các mô hình bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Tiêu biểu như: ‘‘Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh“ tại TP Uông Bí; CLB Hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài tại huyện Vân Đồn; CLB Nữ công nhân nhà trọ tại huyện Hải Hà; Phòng, chống bạo lực giới, tình trạng tảo hôn, ép hôn trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên; "Người cha trách nhiệm" tại Trường Mầm non Cao Thắng, Bệnh viện Sản Nhi... Qua đó, kịp thời tuyên truyền, nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin về phòng, tránh bạo lực và tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, thu hút người dân, nhất là người chồng, tích cực tham gia.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 742 địa chỉ tin cậy, 468 cơ sở tư vấn, 28 cơ sở bảo trợ xã hội, 118 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Các đối tượng gây bạo lực đã bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật; trong đó có 123 đối tượng bị xử lý hình sự, 23 đối tượng bị xử lý hành chính.
Tỉnh cũng hợp tác với một số tổ chức quốc tế thực hiện các hoạt động phòng chống bạo lực giới, góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực giới, như: Dự án bảo vệ quyền phụ nữ và trao quyền cho nạn nhân bạo lực giới tại Quảng Ninh do Tổ chức Oxfam Novub (Hà Lan) tài trợ; Dự án phòng, chống mua bán người qua biên giới do Tổ chức Pals (Hoa Kỳ) tài trợ ...
Hiện nay phụ nữ trong tỉnh được tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, có kinh tế độc lập, được nâng cao địa vị trong gia đình. Đặc biệt thông qua hoạt động của các mô hình, các đợt chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới tại vùng nông thôn, miền núi, đã thu hút được nam giới tham gia ngày một đông; tư tưởng trọng nam, khinh nữ dần được gỡ bỏ, đã có sự đồng thuận chia sẻ công việc gia đình giữa vợ, chồng, con trai, con gái.
Theo số liệu thống kê giai đoạn 2016-2020, số lượng vụ bạo lực trên cơ sở giới xảy ra trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều; số nạn nhân bị bạo lực gia đình được phát hiện và xử lý chiếm 91,38% số vụ bạo lực trên cơ sở giới. Vì vậy, việc ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực gia đình, vẫn cần nhiều nỗ lực, quyết tâm hơn nữa.
Hoàng Anh
Liên kết website
Ý kiến ()