Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:03 (GMT +7)
Nga xúc tiến rút hoàn toàn khỏi Hiệp ước quân sự ở châu Âu
Thứ 4, 10/05/2023 | 22:33:54 [GMT +7] A A
Nga đang tính tới khả năng sẽ chính thức rút lui hoàn toàn khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/5 đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov làm đại diện giám sát các thủ tục tại Quốc hội liên quan đến quá trình bãi bỏ CFE, một hiệp ước vốn nhằm điều chỉnh số lượng lực lượng được triển khai theo Hiệp ước Warsaw và của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như thiết lập các cơ chế minh bạch khác nhau, chẳng hạn như kiểm tra xác minh tại chỗ.
Trong một thông báo từ Điện Kremlin, ông Ryabkov sẽ đại diện cho chính phủ ở cả hai viện của Quốc hội liên quan đến đề xuất rút hoàn toàn khỏi hiệp ước trên.
CFE, được ký kết năm 1990, là một trong những nền tảng của nỗ lực giảm thiểu căng thẳng giữa khối Hiệp ước Warsaw và NATO trong những ngày cuối cùng trước khi Liên Xô sụp đổ.
Moskva từ lâu đã phàn nàn rằng việc mở rộng liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, bao gồm việc kết nạp một số thành viên cũ của tổ chức Hiệp ước Warsaw, đang làm suy yếu CFE.
Năm 2007, Nga tuyên bố đình chỉ một phần CFE, với lý do các thành viên NATO mới không đưa lực lượng quân sự của họ vào các giới hạn theo hiệp ước. Sau đó, Moskva đã rút hoàn toàn khỏi các cơ chế CFE vào năm 2015, cho rằng họ không thấy mục đích gì trong việc tiếp tục tham gia.
Hồi tháng 2, Nga cũng đình chỉ việc tham gia New START, thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân song phương cuối cùng với Mỹ. Chính phủ Nga cáo buộc Washington sử dụng quân đội Ukraine như một lực lượng ủy nhiệm để tấn công các sân bay chứa máy bay ném bom có khả năng hạt nhân tầm xa của Nga và ngăn chặn các cuộc giám sát của Nga đối với các cơ sở hạt nhân của Mỹ.
Trước đó, Mỹ đã rút khỏi một số hiệp ước khác với Nga nhằm đảm bảo ổn định chiến lược. Năm 2002, Tổng thống George W Bush đã rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, tuyên bố Mỹ cần một hệ thống phòng thủ quốc gia để tự vệ trước "các quốc gia thù địch".
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã chấm dứt Hiệp ước Bầu trời mở, cho phép những người tham gia tiến hành giám sát trên không đối với quân đội nước ngoài. Mỹ cũng rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, trong đó cấm một số tên lửa phóng từ đất liền, được coi là có nguy cơ xung đột hạt nhân không chủ ý.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()