Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:10 (GMT +7)
Nga phóng thành công tàu vũ trụ Mặt Trăng, tiên phong đến "miền đất hứa"
Thứ 6, 11/08/2023 | 15:31:46 [GMT +7] A A
Nga bước đầu triển khai sứ mệnh với mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên lấy nước từ Mặt Trăng.
Bước ngoặt của nhân loại
Giữa tâm điểm cuộc chiến với Ukraine và phương Tây, Nga dường như đang cố gắng làm nên lịch sử với mong muốn trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công xuống cực nam của Mặt Trăng.
6:12 phút sáng 11/8 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) phóng thành công tàu thăm dò Luna 25 từ Sân bay vũ trụ Vostochny, đông bắc nước Nga.
Tên lửa đẩy được sử dụng trong sứ mệnh là Soyuz-2.1b. Nó có nhiệm vụ đưa tàu Luna-25 lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất, trước khi 3 tầng lần lượt tách khỏi hệ thống.
Theo dự kiến, tàu thăm dò Luna 25 sẽ hạ cánh gần miệng núi lửa Boguslawsky, nằm ở cực nam và thuộc "nửa tối" của Mặt Trăng. Đây là một vùng lõm có đường kính xấp xỉ 97 km.
Việc hạ cánh một con tàu vũ trụ ở cực nam của Mặt Trăng đặt ra nhiều thách thức, do khu vực này có nhiều miệng núi lửa. Cũng bởi vậy mà chưa quốc gia nào thành công với các sứ mệnh của mình tại "vùng nguy hiểm".
Tuy nhiên, song hành với những thách thức chính là cơ hội. Theo Roscosmos, khu vực này có thể là nơi chứa trữ lượng băng bên dưới lòng đất cực kỳ quý giá, do nó luôn ở trong bóng tối của Mặt Trăng.
Nhiệm vụ của Luna 25 cũng được Roscosmos tuyên bố rất rõ ràng, đó là: Lấy và phân tích các mẫu đất, đồng thời tiến hành nghiên cứu khoa học dài hạn tại khu vực này.
Xavier Pasco, một chuyên gia nghiên cứu chiến lược người Pháp, cho rằng Luna 25 có thể là phần mở đầu của chương trình đổ bộ lên Mặt Trăng của người Nga.
"Nga muốn sử dụng chương trình này để chứng tỏ rằng họ vẫn đang ở trong cuộc đua không gian, bất chấp tình hình căng thẳng ở Ukraine", chuyên gia này cho biết.
Cơ hội để Nga vượt lên trong cuộc đua vũ trụ
Vào ngày 12/4/1961, phi hành gia người Nga Yuri Gagarin đã thực hiện chuyến bay có người lái đầu tiên vào vũ trụ, đưa Liên Xô vượt qua Mỹ, và dẫn đầu trong cuộc đua vũ trụ.
Gần 6 thập kỷ sau, Nga một lần nữa hy vọng sẽ ghi dấu ấn bằng sứ mệnh phóng tàu đổ bộ mặt trăng Luna 25. Theo các chuyên gia, Nga đang ấp ủ một "canh bạc lớn" với sứ mệnh Luna 25.
Nếu thành công, họ sẽ có thể lấy lại được ánh hào quang năm xưa. Tuy nhiên nếu thất bại, Roscosmos chắc chắn sẽ đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong bối cảnh họ đang phải vật lộn để đưa các dự án của mình thành hiện thực.
Thực tế cũng cho thấy quốc gia này đã đánh mất vị thế cạnh tranh trong cuộc đua vũ trụ trong những năm gần đây. Sứ mệnh không gian gần nhất được Nga thực hiện là thất bại diễn ra vào tháng 2/2022, khi một tàu vũ trụ Soyuz bị rò rỉ chất làm mát và không thể cất cánh.
Tên gọi Luna 25 của sứ mệnh cũng không phải là cách đặt tên ngẫu nhiên. Nó cho thấy niềm hy vọng của người Nga khi họ nhắc tới các sứ mệnh thăm dò của Liên Xô được thực hiện thành công trong những năm 1960 và 1970.
Trong đó, tiêu biểu là Luna 24 với kỳ tích đã đến được vùng xích đạo của Mặt Trăng, lấy mẫu đất và gửi về Trái Đất vào năm 1976.
80% cơ hội thành công
Lev Zeleny, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Nga, cho biết họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho lần hạ cánh này. "Các kỹ sư của sứ mệnh ước tính rằng chúng tôi có 80% cơ hội thành công", ông Zeleny cho biết trước khi buổi phóng diễn ra.
Sứ mệnh Luna 25 của Nga sẽ đánh dấu một cuộc đua mới với Ấn Độ, khi quốc gia này cũng dự kiến hạ cánh tàu đổ bộ Chandrayaan-3 xuống cực nam vào ngày 23/8.
Theo Roscosmos, Luna 25 sẽ mất 5 ngày để bay lên Mặt Trăng và sau đó trải qua 5 - 7 ngày trên quỹ đạo trước khi hạ cánh xuống điểm đến. Khung thời gian này cho thấy Nga có thể bắt kịp hoặc thậm chí đánh bại đối thủ Ấn Độ trong nỗ lực hạ cánh xuống bề mặt của Mặt Trăng.
Dẫu vậy, nhiệm vụ này là không hề đơn giản. Lịch sử cho thấy hạ cánh trên Mặt Trăng luôn là một thách thức lớn. Tính đến nay, chỉ có đúng 3 quốc gia làm được điều này, là Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, tàu Luna 25 sẽ phải dựa vào lực đẩy phản lực của chính nó để giảm tốc và tránh hạ cánh xuống những khu vực địa hình dốc, dẫn đến đổ ngang. Đây chính là thảm kịch đã xảy ra với người tiền nhiệm của nó vào nửa thế kỷ trước.
Cách đây không lâu, vào tháng 4 năm ngoái, tàu thăm dò Hakuto-R của Nhật Bản cũng đã thất bại và bị rơi khi cố hạ cánh trên Mặt Trăng.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()