Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:10 (GMT +7)
Nga có thể ‘tắt nguồn’ lưới điện khổng lồ của Mỹ chỉ bằng một thao tác
Thứ 3, 14/06/2022 | 10:29:58 [GMT +7] A A
Mặc dù Nga chỉ khai thác 6% urani trên thế giới, nhưng nước này kiểm soát khoảng 40% thị trường urani toàn cầu và 46% tổng công suất làm giàu urani.
Báo The Hill mới đây đăng bài cảnh báo rằng nếu Nga quyết định ngừng cung cấp urani đã được làm giàu cho các công ty điện lực của Mỹ, nhiều lò phản ứng hạt nhân sẽ phải ngừng hoạt động trong vòng một năm, dẫn đến giá điện tăng vọt vượt quá mức lạm phát hiện tại, cũng như khiến một số khu vực không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của người dân.
Báo cáo trên do cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Paul Dabbar và nhà nghiên cứu năng lượng Matt Bowen của Đại học Columbia thực hiện. Họ lưu ý rằng năng lượng hạt nhân đang chiếm hơn 20% công suất phát điện của Mỹ. Gần một nửa lượng urani mà 56 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động của nước này sử dụng được nhập khẩu từ Nga, Kazakhstan và Uzbekistan.
Hai ông Dabbar và Bowen lưu ý rằng mặc dù Nga chỉ khai thác 6% urani trên thế giới, nhưng nước này kiểm soát khoảng 40% thị trường urani toàn cầu và 46% tổng công suất làm giàu urani.
Các quốc gia khác thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào Nga trong sản xuất điện hạt nhân, chẳng hạn như Phần Lan, Séc, Hungary, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Những nước trên đều phụ thuộc vào tập đoàn hạt nhân khổng lồ Rosatom của Nga từ khai thác, làm giàu urani hay xây dựng và bảo dưỡng các lò phản ứng hiện đại.
Hai nhân vật trên kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây ngay lập tức xem xét lại mức độ phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu hạt nhân của Nga, đồng thời thực hiện các bước đi cần thiết để giảm bớt phụ thuộc. Họ cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ hỗ trợ các cơ sở chuyển đổi và làm giàu urani trong việc xây dựng lại chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân đã cũ kỹ.
Cảnh báo đó được đưa ra sau khi một báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc kiểm soát gần 90% nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm trên thế giới và có thể khiến tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ mất khả năng sản xuất vũ khí mới bằng cách ngừng xuất khẩu tài nguyên.
Nhưng tại sao?
Các tác giả của báo cáo đã không nêu rõ lý do tại sao Nga sẽ dừng xuất khẩu nguồn tài nguyên liên quan đến năng lượng hạt nhân của Mỹ hoặc châu Âu. Những tháng gần đây, bất chấp cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhà nước Nga cùng các tập đoàn lớn, trong đó có Rosatom, Gazprom và Rosneft, cho đến nay vẫn giữ cam kết duy trì hợp đồng với các đối tác thương mại của họ, chỉ với yêu cầu phải thanh toán bằng đồng nội tệ rúp.
Hồi tháng 3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moskva đang xem xét về lệnh cấm xuất khẩu urani sang Mỹ để đáp trả cấm vận của Washington, song chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Trong tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp về cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, nhưng lại loại urani ra khỏi danh sách các mặt hàng bị cấm. Dầu mỏ của Nga chỉ chiếm 1% nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ, nhưng lỗ hổng đó đã tác động đáng kể đến giá năng lượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, với giá xăng đạt mức cao chưa từng có là trên 5 USD/gallon vào tuần trước.
Mỹ đã phụ thuộc vào nhập khẩu urani của Nga kể từ đầu những năm 1990. Năm 1993, Phó Tổng thống Mỹ Al Gore và Thủ tướng Nga Viktor Chernomyrdin đã ký một thỏa thuận kéo dài 20 năm, trị giá 11,9 tỷ USD để cung cấp hơn 550 tấn urani làm giàu cao được chiết xuất từ các đầu đạn hạt nhân của Liên Xô cũ. Nguồn nhiên liệu của Nga cung cấp khoảng 10% tổng lượng điện sản xuất ở Mỹ trong 15 năm tới và sản sinh ra hơn 7 tỷ megawatt giờ (MWh) năng lượng.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()