Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:48 (GMT +7)
Nga chật vật chiến đấu với biến thể Delta của COVID-19 cả về y tế và tâm lý
Thứ 4, 21/07/2021 | 12:01:37 [GMT +7] A A
Nhiều người Nga lựa chọn mạo hiểm đối đầu với biến thể Delta thay vì tiêm vaccine ngừa bệnh dịch này.
Nga khởi đầu tháng 7/2021 bằng một tuần lập kỷ lục kép: Họ phải chiến đấu với 2 làn sóng là làn sóng nhiệt với mức nhiệt lên rất cao hiếm thấy ở Nga và một làn sóng thứ 3 lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Dân Nga vẫn ngại tiêm vaccine
Hai tuần vừa qua cực kỳ khó khăn đối với Nga khi số ca tử vong do COVID-19 ở nước này liên tục đạt các mức cao kỷ lục. Số ca nhiễm tăng vọt chủ yếu là do biến thể Delta - chiếm tới 90% số ca nhiễm mới. Biến thể Delta là phiên bản virus SARS-CoV-2 có mức độ lây nhiễm mạnh hàng đầu thế giới và có mức độ lây lan nhanh hơn phiên bản SARS-CoV-2 đầu tiên tới 225%. Đáng báo động hơn nữa, Nga mới đây ghi nhận ca Delta Plus đầu tiên. Delta Plus là một biến chủng của biến thể Delta. Delta Plus có mức độ kháng cự lớn hơn nữa trước các kháng thể.
Tại Saint Petersburg, các bệnh viện đang vật lộn với dòng bệnh nhân ồ ạt đổ về và tình trạng thiếu vật tư thiết bị. Tất cả đều nóng hừng hực trong cái oi ả của mùa hè và các bộ đồ bảo hộ kín mít. Ấy thế nhưng vẫn có những người không cảm thấy sức nóng của đại dịch. Oksana, mẹ của 3 đứa con sống ở thành phố này, kể với tờ National Interest: "Ở Saint Petersburg, mọi người đi bộ khắp nơi mà không đeo khẩu trang. Mọi thứ đều mở. Tôi có thể đi nhà hàng, đi rạp chiếu phim. Tôi không đeo khẩu trang và không ai yêu cầu tôi làm vậy".
Các mối lo ngại của người dân Nga về việc tiêm vaccine và về Sputnik V
Như nhiều người Nga khác, Oksana có một chút nghi ngờ về vaccine ngừa COVID-19. Một cuộc thăm dò của Trung tâm Levada thực hiện vào đầu tháng 7 vừa qua chỉ ra rằng 54% người Nga không sẵn lòng tiêm chủng bất chấp thực tế số ca mắc bệnh COVID-19 đang tăng mạnh không ngừng. Trong số những người lưỡng lự trước việc chủng ngừa, có 33% nêu lý do lo sợ các tác dụng phụ không mong muốn như yếu tố chính khiến họ do dự, trong khi 20% nói rằng họ đang đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.
Về phần mình, Oksana có một niềm tin không phải là hiếm ở Nga, đó là các vaccine có thể thực sự phá hoại phản ứng miễn dịch của con người trước virus bằng cách làm hư hại phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Theo đó, phản ứng miễn dịch tốt nhất được cho là phản ứng do cơ thể tạo ra một cách tự nhiên, còn các tác dụng phụ mà chị e sợ không phải là sự đau mỏi đôi lúc xuất hiện sau khi tiêm vaccine, mà là nguy cơ làm tăng rối loạn tự miễn.
Không có dữ liệu nào chứng minh điều này là sự thật. Tuy nhiên, các ý tưởng như vậy đang lan truyền trong một bộ phận người Nga có kiến thức y học, thậm chí trong cả một số bác sĩ Nga nữa.
Mẹ của Oksana là một người rất sợ việc tiêm chủng. Bà là một bác sĩ và tham gia giảng dạy tại một trường y. Tương tự, Galina Chervonskaya - nhà hoạt động người Nga chống vaccine, là thành viên của Ủy ban Quốc gia Nga về Đạo đức sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga. Những người follow (theo dõi) Chervonskaya trên trang chia sẻ video YouTube coi bà là một trong số ít người có uy tín về thông tin vaccine mà họ có thể trông cậy.
Đáng chú ý, các thuyết của Chervonskaya về mối nguy hiểm của vaccine lại lợi dụng niềm tin rằng mọi thứ là tốt đẹp hơn hoặc đáng tin cậy hơn vào thời Liên Xô. Chervonskaya tuyên bố rằng do tiêm chủng đại trà, dân số Nga đang ngày càng yếu hơn và trẻ em ngày nay kém khỏe mạnh hơn đáng kể so với những ai lớn lên thời XHCN trước đây.
Tâm lý tin vào vaccine sản xuất theo lối truyền thống
Có lẽ niềm tin ngày càng tăng vào thuốc theo phong cách Xô viết quen thuộc là một trong các lý do người Nga xếp hàng dài để tiêm vaccine CoviVac. Maksim Tersky, thầy thuốc chính tại bệnh viện AO Meditsina ở Moscow, nhận thấy rằng vaccine này được sản xuất thành các gói nhỏ, và sự khan hiếm này cho thấy mức độ mong muốn của người dân đối với loại vaccine này, đặc biệt là trong các thế hệ từng phải xếp hàng như vậy thời Xô viết. Ngoài ra, vaccine CoviVac do Trung tâm Chumakov phát triển - trung tâm này được thành lập thời Khrushchev và sử dụng công nghệ Liên Xô quen thuộc.
Thực tế trên trái ngược hẳn với vaccine Sputnik V được nhà nước Nga hiện nay quảng bá rầm rộ. Sputnik V là vaccine cho dòng virus adeno, nghĩa là nó chứa đựng phiên bản virus vô hại đã được chỉnh sửa về gen, có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch mà không gây bệnh cho người. Công nghệ sinh vật chỉnh sửa gen (GMO) mới hơn đáng kể so với công nghệ vaccine do CoviVac áp dụng - công nghệ phổ biến thời Xô viết, đây có lẽ là điều mà những người Nga ngại vaccine cảm thấy quen thuộc hơn và dễ được chấp nhận hơn.
Giải pháp truyền thông và chính sách
Hiện nay Nga đang chật vật thuyết phục người dân đi tiêm vaccine. Tuy nhiên, không phải người Nga nào ngại vaccine đều là thiếu thông tin hoặc có thái độ chống khoa học. Nhiều người trong số họ đã tìm tòi, nghiên cứu, và đưa ra các quyết định về vaccine dựa trên sự chứng thực của những người được cho là chuyên gia tin cậy hoặc dựa trên các sách báo họ đọc được.
20% số người Nga được thăm dò nói rằng họ đang đợi có dữ liệu đầy đủ hơn - điều này cho thấy nếu như minh bạch hơn về các kết quả thử nghiệm lâm sàng 4 loại vaccine do Nga tự phát triển thì Nga có thể làm gia tăng niềm tin của người dân vào vaccine.
Sergey Kharitonov - một nhà sinh học phân tử tại Đại học Quốc gia Moscow, nói với Kommersant rằng có khả năng người Nga đang tìm kiếm CoviVac thay thế cho Sputnik V.
Judy Twigg - một giáo sư tại Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) tin rằng cần phải làm tốt công tác truyền thông để người dân thấy rằng bạn bè và người thân của mình đã tiêm vaccine mà không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Hiện tại mới chỉ có khoảng 16% dân số Nga được tiêm chủng, một phần hoặc đầy đủ. Điện Kremlin không còn kỳ vọng đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số vào mùa thu năm 2021 này. Vài khu vực của Nga đã cố gắng ứng phó với tình trạng ngại vaccine bằng cách đưa ra quy định tiêm bắt buộc đối với các nhóm dân số nhất định. Chẳng hạn, ai không tiêm thì có nguy cơ mất việc. Các chính sách này nói chung không được lòng dân và vô tình thúc đẩy thị trường đen cung cấp các giấy chứng nhận giả về việc đã tiêm vaccine.
Mặc dù vậy các quy định mang tính bắt buộc đó vẫn thúc đẩy tỷ lệ tiêm vaccine tăng lên. Quy định bắt buộc cộng với tình trạng gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19 đang khiến cầu vaccine vượt quá cung ở Nga. Nhiều vị lãnh đạo trong khu vực tư còn muốn có các quy định nghiêm hơn nữa về việc tiêm vaccine COVID-19.
Twigg cho rằng mức độ thành công của chính sách trên sẽ được thể hiện vào mùa thu tới khi thời tiết trở nên lạnh hơn và mọi người bắt đầu tụ tập trong nhà. "Nếu khi ấy người ta vẫn chưa đạt được ngưỡng tiêm chủng cần thiết thì có thể không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải quay trở lại với các dạng thức phong tỏa - điều này đúng ở mọi nơi, không riêng gì Nga".
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()