Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 15:40 (GMT +7)
Nếu Netflix không có pháp nhân tại Việt Nam sẽ bị chặn truy cập
Thứ 3, 28/02/2023 | 10:00:41 [GMT +7] A A
Theo quy định mới, các nền tảng OTT nước ngoài phải thành lập pháp nhân tại Việt Nam, tuân theo các quy định pháp luật Việt Nam nhằm bảo đảm công bằng trong kinh doanh truyền hình trả tiền.
Ngày 27/2, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo phổ biến chính sách pháp luật mới về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Hội thảo tập trung vào Nghị định số 71/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, với những điều chỉnh về quy định doanh nghiệp nước ngoài tham gia hoạt động truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) nhấn mạnh việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam với loại hình dịch vụ OTT mà không có kênh, chỉ có nội dung theo yêu cầu thì phải được cấp giấy phép như doanh nghiệp trong nước.
Muốn được cấp giấy phép này thì doanh nghiệp nước ngoài phải làm thủ tục để hình thành pháp nhân tại Việt Nam. Pháp nhân có tỷ lệ vốn nước ngoài như thế nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong quá trình hình thành hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Về cơ bản, theo ông Nguyễn Hà Yên, các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ OTT trong nước thì giống hệt với các doanh nghiệp trong nước, xét về việc chịu trách nhiệm trước các quy định pháp luật hiện hành. Việc này nhằm tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.
Theo tìm hiểu, một số nền tảng OTT nước ngoài đang có lượng người dùng khá lớn tại Việt Nam như Netflix, WeTV, IQIYI, iFlix,... Các nền tảng phải tuân thủ theo quy định trong Nghị định 71, tức phải có tư cách pháp nhân tại Việt Nam.
Trong nghị định này, Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ tổ chức ngăn chặn những dịch vụ bất hợp pháp, tức các doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho hay sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sử dụng những biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn các doanh nghiệp kinh doanh không phép cung cấp dịch vụ đến người sử dụng tại Việt Nam.
Mới đây nhất, nguồn tin của Reuters cho hay Netflix đang cân nhắc thành lập văn phòng tại Việt Nam, tuy nhiên chưa có bên liên quan nào khẳng định thông tin đó.
Khi được hỏi các doanh nghiệp OTT nước ngoài nào đã đăng ký giấy phép tại Việt Nam, ông Nguyễn Hà Yên không tiết lộ tên doanh nghiệp cụ thể. Nhưng hiện có 3 doanh nghiệp Trung Quốc và 2 doanh nghiệp Mỹ có nhu cầu tham gia thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp đang được Bộ TT&TT cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục để kinh doanh theo đúng tôn chỉ pháp luật trong nước.
Nếu thời gian tới các doanh nghiệp nói trên vẫn hoạt động không phép và không tuân thủ quy định pháp luật thì cơ quan nhà nước có thể chiếu theo Nghị định 71 và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản,… để xử phạt, chặn truy cập.
Theo ICT News
Liên kết website
Ý kiến ()