Nhiều nạn nhân có thể đã sống sót nếu máy bay Jeju Air không đâm phải bức tường kiên cố lẽ ra không được xây cuối đường băng, theo chuyên gia.
Máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air hôm 29/12 hạ cánh bằng bụng, trượt trên đường băng rồi đâm vào tường bê tông ở rìa sân bay Muan, tỉnh Jeolla Nam của Hàn Quốc và bốc cháy dữ dội, khiến 179 trong tổng số 181 người trên máy bay thiệt mạng.
David Learmount, chuyên gia hàng đầu về an toàn hàng không ở Anh, nhận định cú va chạm giữa máy bay với bức tường cuối đường băng là "thời khắc quyết định" trong thảm họa. "Không có lý do chính đáng nào để bức tường xuất hiện ở đó. Tôi nghĩ xây dựng tường kiên cố tại vị trí này gần như có thể coi là hành vi phạm tội", ông nêu quan điểm.
Ông Learmount cho rằng những người trên chuyến bay lẽ ra có nhiều cơ hội sống sót sau khi phi cơ tiếp đất, dù khi đó chiếc Boeing 737-800 không thể hạ được càng đáp và trượt bằng bụng trên đường băng với tốc độ cao. "Phi công đã hạ cánh rất tốt trong hoàn cảnh đó. Máy bay lao đi rất nhanh, song vẫn nguyên vẹn", chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, máy bay gần như vỡ vụn và bốc cháy hoàn toàn do đâm phải bức tường bê tông. "Nhiều người văng ra ngoài khi máy bay đâm vào tường, gần như không có cơ hội sống sót", quan chức Sở cứu hỏa tỉnh Jeonnam nói trong cuộc gặp thân nhân hành khách hôm 29/12.
"Bức tường đáng lẽ không được nằm tại đó", ông Learmount nhấn mạnh.
Sân bay quốc tế Muan được Tập đoàn Sân bay Hàn Quốc thuộc sở hữu nhà nước quản lý. Sau khi mở cửa năm 2007, nó đã trở thành trung tâm giao thông quan trọng ở khu vực tây nam nước này.
Ảnh vệ tinh cho thấy tường bê tông xuất hiện ở hai đầu đường băng, gần hàng rào an ninh, từ nhiều năm qua. Nó là nơi đặt hệ thống hỗ trợ hạ cánh ILS, có nhiệm vụ giúp phi công tiếp đất an toàn vào buổi tối hoặc trong điều kiện tầm nhìn kém.
Nhưng tại hầu hết các sân bay khác, hệ thống này đặt trên các cấu trúc dễ tháo lắp, chứ không phải trên hàng rào bê tông như ở Muan. "Tôi chưa từng thấy nơi nào bố trí vật thể kiên cố ở cách điểm cuối đường băng khoảng 200 mét hoặc ngắn hơn như vậy", chuyên gia Learmount nói.
Thứ trưởng Giao thông Hàn Quốc Joo Jong-wan cho biết chiều dài 2.800 m của đường băng không phải là yếu tố góp phần gây ra thảm kịch, khẳng định các bức tường tại hai đầu đường băng đều được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn của ngành hàng không.
Tuy nhiên, chuyên gia Learmount cho rằng nếu không va phải tường bê tông, phi cơ Jeju Air sẽ đâm xuyên qua hàng rào an ninh bằng lưới thép, vượt qua đường và có thể dừng lại ở cánh đồng bên cạnh mà không vỡ nát hoặc bốc cháy.
"Xung quanh đó có rất nhiều không gian để máy bay giảm tốc trước khi dừng lại. Khi đó tôi nghĩ tất cả mọi người đã có thể sống sót. Các phi công có thể bị thương trong lúc máy bay đâm xuyên qua hàng rào an ninh, song họ vẫn sẽ sống. Nếu không vướng bức tường, máy bay Jeju Air có thể đã thoát nạn", Learmount nhận định.
Sally Gethin, một chuyên gia hàng không khác tại Anh, cũng tỏ ra băn khoăn về vị trí đặt bức tường bê tông, nhưng không cho rằng toàn bộ hành khách và thành viên tổ bay sẽ sống sót kể cả khi công trình này không nằm cuối đường băng.
"Phi cơ dường như không thể giảm tốc, nên vẫn có khả năng xảy ra thảm họa", bà nêu quan điểm.
Ý kiến ()