Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 24/01/2025 15:25 (GMT +7)
Nêu cao văn hoá Đảng
Thứ 6, 24/01/2025 | 14:47:11 [GMT +7] A A
Xây dựng văn hoá Đảng được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Quảng Ninh. Để thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa Đảng, tỉnh đã đề ra giải pháp phải coi trọng xây dựng văn hóa từ trong các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo đó, yếu tố văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu thể hiện trước hết trong đảng viên, là sự nêu gương cho quần chúng và tạo ra mối quan hệ hài hòa, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức có phẩm chất đạo đức trong sáng, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân...
Trong khoảng 2 nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cấp ủy trực thuộc, cơ quan, đơn vị thường xuyên rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu của Đảng; xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là phải phòng ngừa và chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành hàng chục văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập và làm theo Bác gắn với xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên toàn tỉnh thông qua nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó chỉ đạo xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ theo phương châm sát chức năng nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện; tập trung vào 5 mối quan hệ của cán bộ, đảng viên: Đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị; đối với đồng chí, đồng nghiệp; đối với việc nêu gương và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; đối với bản thân.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện quy định về việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên; quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII, XIII)... Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành chủ động triển khai đầy đủ yêu cầu và tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cam kết thực hiện nêu gương, xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu. Đồng thời, bổ sung và thực hiện chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên gắn với giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở mỗi địa phương...
Một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay đang được triển khai thực hiện quyết liệt ở các địa phương là tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nói về nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy là công việc khá nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18 cũng kỳ vọng từng cấp, từng ngành, từng cá nhân phải có sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao, dũng cảm và hy sinh lợi ích cá nhân ở từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Quá trình thực hiện phải bám sát yêu cầu của Trung ương và bảo đảm phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn của địa phương.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong việc triển khai thực hiện. Cần khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở. Đặc biệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện cuộc cách mạng vì lợi ích chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc này. Đây chính là lúc văn hóa Đảng cần được phát huy cao nhất, thiết thực nhất.
Để xây dựng Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”, là biểu tượng văn hóa của dân tộc, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã khẳng định: “Phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. Trên con đường phát triển với nhiều khát vọng, hoài bão, Quảng Ninh luôn chú trọng và đề cao văn hóa đạo đức, quan tâm xây dựng văn hóa Đảng. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được thực hiện, trong đó quan trọng trên hết là xây dựng hình mẫu những người đảng viên có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu để dân trọng, dân tin; để gắn bền chặt mối quan hệ giữa Đảng với dân thực hiện thắng lợi mọi phong trào hành động cách mạng ở địa phương, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()