Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:08 (GMT +7)
"Nêu cao vai trò người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công"
Thứ 2, 31/10/2022 | 08:22:29 [GMT +7] A A
Thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến nay chưa đạt kế hoạch đề ra. Giải ngân chậm đang ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 của tỉnh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh phỏng vấn đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, về nội dung này.
- Thưa đồng chí, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh triển khai đến nay kết quả như thế nào?
+ Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 8/1/2022) của Chính phủ "Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022" cùng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ..., ngay từ đầu năm cả hệ thống chính trị tỉnh đã quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, đến nay kết quả giải ngân chưa được như mong muốn. Cho dù so với kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm đã đạt 79%, cao hơn giải ngân bình quân chung cả nước (ước đạt 49,1%), nhưng so với kế hoạch vốn của UBND tỉnh thì tỷ lệ giải ngân mới đạt 57%, thấp hơn so với cùng kỳ 2021 (đạt 61,8%). Tỷ lệ giải ngân mới đạt thấp gây áp lực lớn cho 2 tháng cuối năm với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cần phải đạt được.
- Vậy nguyên nhân chậm do đâu, thưa đồng chí?
+ 10 tháng năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cùng với cả nước thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng mạnh ca nhiễm sau đợt Tết Nguyên đán; cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế gặp nhiều khó khăn, gián đoạn; giá xăng dầu, nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng, đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, một số địa phương do nguồn thu tiền sử dụng đất không đảm bảo kế hoạch đề ra nên chưa có nguồn để giải ngân. Mặc dù có khối lượng thực hiện, nhưng do ảnh hưởng nguồn thu dẫn đến chưa thể thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu. Biến động của nguyên, nhiên vật liệu quá lớn (tăng 25-30% so cùng kỳ), do đó ảnh hưởng đến phương án tài chính của các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu ký hợp đồng trọn gói, các gói thầu về hạ tầng kỹ thuật; tuyển dụng lao động khó khăn, khan hiếm nhân công dẫn đến đơn giá nhân công tăng để cạnh tranh thu hút nhân lực.
Thêm nguyên nhân nữa, công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư của các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, chưa bám sát khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án, dẫn đến không phân bổ được hết số vốn được giao; công tác chỉ đạo GPMB của một số địa phương thuộc tỉnh chưa quyết liệt, chưa kịp thời tập trung tháo gỡ vướng mắc, mất nhiều thời gian, nên làm chậm tiến độ của nhiều dự án, buộc phải điều chỉnh, ảnh hưởng đến việc cân đối và hoàn thành dự án theo tiến độ.
- Để đảm bảo mục tiêu, công tác giải ngân 2 tháng cao điểm cuối năm được tỉnh chỉ đạo thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
+ Tỉnh xác định công tác giải ngân là một trong những trụ cột đảm bảo tăng trưởng, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động; bù đắp cho ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh… Vì thế, những tháng cuối năm, tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp kịp thời, hiệu quả để tăng tốc giải ngân.
Cụ thể, thực hiện rà soát lại tiến độ, lập chi tiết triển khai các dự án, công trình, chủ động tham mưu điều chỉnh, điều hòa kế hoạch vốn, đảm bảo tiến độ giải ngân; phát huy vai trò của tổ công tác đặc biệt tham gia tập trung kiểm tra đôn đốc và tháo gỡ khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện và giải ngân các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ở các cấp ngân sách, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Điều này có nghĩa, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt...; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách, hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm. UBND tỉnh yêu cầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, nâng cao năng lực thi công cả về trang thiết bị và nhân lực, đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình; tập trung hoàn thiện các hồ sơ thanh toán theo quy định, các chủ đầu tư cần khẩn trương nghiệm thu lập hồ sơ thanh toán khi có khối lượng… Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản ở từng cấp ngân sách, chỉ triển khai dự án khi đã xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Ngoài ra, tập trung chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới cuối năm 2022 và năm 2023, nhất là các dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh vào tháng 10/2023. Thực hiện công khai trên phương tiện truyền thông địa phương về tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()