Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:31 (GMT +7)
"Hạ Long rất thiếu hướng dẫn viên..."
Chủ nhật, 27/11/2022 | 13:15:13 [GMT +7] A A
Ngày 12/10 vừa qua, tàu biển quốc tế Le Lapérouse (Pháp) cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Quảng Ninh, đánh dấu sự trở lại của du lịch tàu biển sau gần 3 năm đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Liên quan tới việc đón chuyến tàu biển quốc tế đầu tiên đến Hạ Long (Quảng Ninh) cũng như Việt Nam, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Tân Hồng tại Quảng Ninh (ảnh).- Việc đón tàu Le Lapérouse có ý nghĩa như thế nào với ngành du lịch tàu biển thưa ông? + Việc đón tàu Le Lapérouse có ý nghĩa rất lớn với ngành du lịch tàu biển. Không chỉ ở phạm vi Việt Nam mà cả trên phạm vi quốc tế. Bởi vì trên thế giới hiện nay vẫn có những nước chưa mở cửa tiếp nhận khách quốc tế và khách tàu biển nhưng Việt Nam đã mở cửa rất nhanh và chuẩn bị tất cả các điều kiện cũng như cơ chế, chính sách để đón khách tàu biển. Tôi cho rằng, điều này là rất tốt, rất thuận lợi cho sự phục hồi của du lịch tàu biển cũng như các doanh nghiệp khi tiến hành tiếp thị. |
- Để có thể đón tàu Le Lapérouse về Việt Nam, Công ty Du lịch Tân Hồng đã có sự chuẩn bị như thế nào?
+ Như mọi người đã biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong những năm vừa qua nên ngành du lịch tàu biển gần như đình trệ. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát tương đối thì Công ty Tân Hồng đã triển khai nhanh việc tiếp thị và khai thác khách tàu biển, nỗ lực đưa du lịch tàu biển khôi phục trở lại như trước đây.
Le Lapérouse là tàu đầu tiên trở lại Việt Nam kể từ khi chúng ta mở cửa du lịch quốc tế. Tàu chở hầu hết là du khách mang quốc tịch Pháp. Tàu đã đi qua 6 cảng là Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Tiên Sa (Đà Nẵng), Chân Mây (Huế), Hòn La (Quảng Bình). Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là cảng cuối cùng ở phía Bắc trên hành trình của tàu tại Việt Nam. Sau khi tham quan ở đây thì tàu rời cảng và lại đón khách mới nhập tàu và sẽ tiếp tục trở lại với hành trình vẫn là 7 cảng của Việt Nam.
- Trong quá trình đón tàu, phía doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ của chính quyền như thế nào?
+ Trước khi tàu cập cảng, người ta có nhiều câu hỏi và phải chuẩn bị kỹ càng để đón tàu vào. Riêng với tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi đã thông báo, xin phép tất cả các ban, ngành của tỉnh và được tỉnh nhiệt tình ủng hộ bằng việc chỉ đạo cho các ban, ngành, chính quyền địa phương, cảng, Sở Du lịch phối hợp. Cụ thể là cho các chính sách và giải đáp để du khách yên tâm.
- Theo ông, trong tình hình mới hiện nay, với khách du lịch tàu biển, điểm đến như Hạ Long có hấp dẫn hay không và nếu có thì Hạ Long có sự hấp dẫn như thế nào?
+ Loại hình du lịch tàu biển đang phát triển trên thế giới và được dự đoán sẽ ngày càng phát triển và đối với Hạ Long cũng như Việt Nam cũng vậy. Hạ Long có đặc thù riêng là có Vịnh Hạ Long rất nổi tiếng. Thứ hai là Hạ Long có cảng tàu khách chuyên dụng cho đón khách tàu biển. Cả Việt Nam chỉ có Hạ Long có Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là chuyên khách tàu biển thôi. Đây là lợi thế rất lớn cho Hạ Long, Quảng Ninh phát triển dòng khách tàu biển.
- Thuận lợi là vậy, song để có thể khai thác được tiềm năng sẵn có và phát triển được thị trường khách du lịch tàu biển thì Hạ Long, Quảng Ninh cần phải vượt qua những rào cản nào thưa ông?
+ Khách tàu biển có đặc thù là sẽ không thể khôi phục ngay trong một lúc hay một sớm một chiều. Để phục vụ cần phải có sự chuẩn bị cũng như sự tiếp thị lâu dài. Đối với khách cũng thế, để đi một tour tàu biển thì người ta thường phải đăng ký trước 6 tháng. Và để có thể phục hồi tốt thị trường này chúng tôi cũng xin đề nghị với các địa phương, đặc biệt là Hạ Long để hiểu được đặc điểm của thị trường khách này, từ đó có được sự chuẩn bị dài hơi và tốt nhất.
Ví dụ Hạ Long, Quảng Ninh có lợi thế là có di sản, là điểm tham quan rất phù hợp, hấp dẫn với du khách, nhưng có một trở ngại là Quảng Ninh không có đường bay quốc tế. Có sân bay nhưng lại chưa có đường bay quốc tế nên như tàu này là khách phải về Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) để bay đường bay quốc tế. Sau đó, với chuyến khách tiếp theo, chúng tôi lại phải lên Nội Bài đón khách quốc tế để về nhập tàu ở Hạ Long. Nếu cảng Vân Đồn có nhiều đường bay quốc tế hơn để khách bay đến và nhập tàu ở Hạ Long thì sẽ rất tiện lợi. Chúng ta sẽ có thể bán được cho khách các loại dịch vụ như lưu trú và ẩm thực, vui chơi, giải trí trong thời gian khách đợi tàu hoặc đợi chuyến bay.
- Sắp tới, công ty có kế hoạch khai thác và đón khách tàu biển đến Hạ Long như thế nào?
+ Công ty Tân Hồng chúng tôi chuyên khách tàu biển nên chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ đầu năm và từ trước đó rất lâu. Hết năm nay, sang đầu năm sau, chúng tôi sẽ tham dự Hội nghị quốc tế về tàu biển tại Singapore để ký hợp đồng và lên lịch tàu cho năm 2023. Còn trong năm nay, cuối tháng 12 sẽ có một chuyến tàu biển quốc tế nữa, quay trở lại Hạ Long.
- Để khôi phục du lịch tàu biển, doanh nghiệp cần có những điều kiện và sự hỗ trợ như thế nào nữa thưa ông?
+ Tôi cũng xin đề nghị chính quyền quan tâm tới những vấn đề sau để phục hồi du lịch tàu biển. Đặc biệt là việc đào tạo nguồn nhân lực. Như với việc đón tàu Le Lapérouse này, chúng tôi nhận ra là Hạ Long rất thiếu hướng dẫn viên tiếng Pháp, chúng tôi phải lấy toàn bộ hướng dẫn viên tiếng Pháp từ Hà Nội. Còn về hướng dẫn viên tiếng Anh thì hiện cũng không đủ để phục vụ các tàu lớn, đông khách. Với các ngoại ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật thì chúng tôi cũng phải lấy ở Hà Nội xuống. Cùng với đội ngũ hướng dẫn viên thông thạo các thứ tiếng, Quảng Ninh cũng cần chú trọng đào tạo đội ngũ đầu bếp chế biến, phát triển đội tàu tham quan Vịnh Hạ Long và đội xe chất lượng cao để phục vụ khách du lịch tàu biển.
- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()