Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:28 (GMT +7)
Nét đẹp nghề truyền thống
Thứ 2, 13/02/2023 | 16:47:21 [GMT +7] A A
Bao đời nay, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc S’tiêng luôn gắn liền với những bản sắc văn hóa đặc sắc. Cộng đồng người S’tiêng luôn trân trọng, gìn giữ những giá trị độc đáo của dân tộc mình và truyền lại cho con cháu. Bên cạnh các lễ hội, những nghề truyền thống của đồng bào S’tiêng đã được truyền qua nhiều thế hệ và duy trì đến ngày nay.
Việc duy trì nghề truyền thống không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà quan trọng hơn là để giữ gìn và truyền lại bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên giá trị văn hóa trong từng sản phẩm. Những ngày giáp tết Nguyên đán, đồng bào dân tộc S’tiêng lại tất bật với công việc để sản xuất ra sản phẩm phục vụ gia đình và thị trường những ngày xuân.
Sắc xuân trên thổ cẩm
Khác hẳn với ngày thường, những ngày cuối năm Nhâm Dần, người người, nhà nhà đồng bào S’tiêng ở xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng náo nức chuẩn bị tết Nguyên đán Quý Mão. Các bà, các chị thoăn thoắt bên khung dệt để kịp may cho con cháu những bộ trang phục truyền thống đón xuân mới...
Yêu nét văn hóa của dân tộc mình qua những bộ váy áo truyền thống nên dù bận rộn với công việc vườn rẫy, những ngày cuối năm, chị Thị Khá ở thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn vẫn tranh thủ dệt thổ cẩm để may áo mới cho con. Không khí gia đình cũng vì thế rộn ràng, nhộn nhịp hơn. Chị Thị Khá vui vẻ cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã được bà, mẹ truyền dạy dệt thổ cẩm. Đối với người S’tiêng, khi con gái trưởng thành phải biết dệt thổ cẩm, vì đây là nghề truyền thống nên phải duy trì. Ngày nay, tôi cũng đang cố gắng truyền lại cho con cháu mình biết và giữ nghề truyền thống của cha ông”.
Những ngày cận tết Nguyên đán, khi đến thăm Tổ nghề dệt thổ cẩm - rượu cần thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, chúng tôi cảm nhận rõ sự tất bật, hối hả của bà con bên từng khung cửi.
Chị Thị Plét ở thôn Bom Bo cho biết, 13 tuổi chị đã được truyền lại nghề dệt thổ cẩm. Đến tuổi lấy chồng, chị có thể tự dệt vải may áo cho mình và gia đình. Đến nay đã mấy chục năm, khung dệt vẫn dùng tốt, việc dệt thổ cẩm vẫn được các chị em trong dòng họ duy trì, bởi đây là nghề truyền thống của dân tộc. “Muốn dệt được thổ cẩm đẹp mắt, chất lượng, người dệt phải nhẫn nại từng chi tiết, tay vừa nhanh vừa khéo và phải căng dây, căng sợi đều tay, siết lao thật chặt. Hoa văn có thể theo mẫu hoặc mình tự sáng tạo sao cho phù hợp” - chị Thị Plét chia sẻ.
Còn chị Thị Mỹ Lan ở thôn Bom Bo cho biết, du lịch ở huyện Bù Đăng bắt đầu phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu văn hóa địa phương. Thấy du khách quan tâm mặt hàng thổ cẩm của đồng bào địa phương, Tổ nghề dệt thổ cẩm thôn Bom Bo đã cải tiến mẫu mã, cho ra thị trường dòng sản phẩm thổ cẩm mới, bắt mắt hơn. Những sản phẩm này được khách hàng tiếp nhận và đánh giá cao. Bà Bùi Kim Nga, du khách đến từ tỉnh Tây Ninh cho biết: Tôi thấy những sản phẩm được làm từ thổ cẩm rất đẹp, công phu, mẫu mã đa dạng. Các sản phẩm với hoa văn đặc sắc và cách phối màu tạo nét hoang sơ, đậm chất riêng có của đồng bào nơi đây, thu hút khách du lịch tìm mua.
Ngày xuân bên hương rượu cần
Trong không gian văn hóa của đồng bào S’tiêng không thể không nhắc đến rượu cần. Rượu cần là thức uống được lựa chọn trong đời sống hằng ngày; là phương tiện, biểu tượng tính liên kết cộng đồng và lòng mến khách của người S’tiêng trong các dịp lễ, hội.
Những ngày cuối năm vừa qua, không khí gia đình già làng Điểu Lên ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh dường như tất bật, khẩn trương hơn. Chị Điểu Thị Xia, con gái già làng Điểu Lên cho biết, những nguyên liệu làm men rượu cần rất khó kiếm. Rồi đến khâu ủ cơm được nấu từ gạo tẻ và cuối cùng là ủ rượu. Thời gian ủ càng lâu, hương vị càng đậm đà. Để phục vụ Tết Nguyên đán 2023, chị Điểu Thị Xia đã làm rượu cần từ giữa tháng 9 với hàng trăm ché.
Rượu cần của người S’tiêng tồn tại từ bao đời nay, là sản phẩm được làm từ những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, mang hương vị đặc trưng của núi rừng, níu chân những ai từng một lần nếm thử.
“Thật ngẫu nhiên khi tôi được tham quan và tìm hiểu các điểm du lịch, các hiện vật của người S’tiêng ở tỉnh Bình Phước. Khi đến tham quan, tôi được thưởng thức rượu cần - đặc sản của người S’tiêng nơi đây. Rượu có hương thơm nồng rất dễ uống. Chỉ cần hút một cần rượu trong cổ họng, có cảm giác như ngậm cả hương rừng ngây ngất” - anh Ma Ra Đôn, du khách đến từ tỉnh Đồng Nai chia sẻ.
Bình Phước có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của đồng bào S’tiêng không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch tại địa phương.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()