Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:28 (GMT +7)
Nét đẹp đánh quay đầu xuân của người Sán Chỉ ở Bình Liêu
Chủ nhật, 03/03/2024 | 13:55:52 [GMT +7] A A
Không chỉ có cảnh quan tuyệt đẹp giữa núi rừng Bình Liêu, các bản, làng người Sán Chỉ dịp đầu xuân còn vô cùng thu hút, sôi động bởi hội đánh quay truyền thống, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào.
Ở vùng biên viễn Bình Liêu, người Sán Chỉ tập trung tại các xã Đồng Tâm, Húc Động, Lục Hồn và Vô Ngại..., chiếm khoảng 15% dân số huyện. Theo lịch sử di cư, họ là những cư dân đến sau người Tày và một số dân tộc ở Bình Liêu. Các bản làng người Sán Chỉ thường ở khá xa, cao. Đồng bào thích nghi và sáng tạo, gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa giàu bản sắc.
Có thể thấy, trong cuộc sống, người Sán Chỉ là cư dân khéo léo, giỏi làm rừng, ruộng... Họ còn khéo léo chọn được các vị trí đẹp, đắc địa, vừa có rừng, vừa có sông suối, có ruộng, vườn để trồng cấy. Bà con lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống, như: Nhà cổ, tục hát Soóng cọ tương truyền từ 300 năm trước, đặc biệt là trò chơi đánh quay đầu năm, nét đẹp văn hóa tô thêm sắc màu, sức sống cho các bản làng Sán Chỉ.
“Cùng với nhiều đồng bào dân tộc khác trong cộng đồng, có lẽ người Sán Chỉ là những người có tục, phong trào chơi đánh quay rõ ràng và đặc sắc nhất, tô thêm nét đẹp văn hoá cho các bản làng giàu sắc màu của họ" - ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm TT-VH huyện Bình Liêu, chia sẻ.
Theo lệ, thường cứ dịp cuối năm, khi mùa gặt hái xong xuôi cũng là lúc các chàng trai, cô gái Sán Chỉ bắt đầu tổ chức đánh quay. Đặc biệt là những dịp nghỉ lễ dài như Tết cổ truyền, đánh quay là một "món ăn" tinh thần không thể thiếu. Con quay của người Sán Chỉ được làm rất công phu, bền, chắc từ gỗ mít, gỗ nhãn trải qua ngâm nước... Con quay đẽo cân, mài nhẵn, đầu được bịt sắc hoặc đóng đinh để quay lâu, thi đấu tốt. Trong cuộc, ai quay lâu hơn thì nắm quyền chọi quay ở vòng sau đó...
Trò chơi đánh quay là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào Sán Chỉ, vừa là nơi để người chơi thể hiện tài năng, trình độ, sự khéo léo của bản thân mà còn thể hiện phong cách, cá tính của họ. Dạo qua các bản làng này dịp đầu năm, dễ thấy nhiều hội thi đánh quay, giao lưu giữa các bản làng, xã được tổ chức, tạo không khí vui tươi, rộn ràng.
Vì thế, ngoài cảnh đẹp, các bản làng giàu bản sắc của người Sán Chỉ mỗi dịp lễ, Tết dường như sôi động, thú vị hơn. Dịp đầu năm có nhiều thôn, bản ở Lục Hồn, Húc Động, Hoành Mô... tổ chức nhiều hội đánh quay kéo dài tới rằm tháng Giêng, như: Lục Ngù, Pò Đán, Loòng Vàng, Ngàn Kheo, Ngàn Pạt, Nà Ếch...
"Đáng chú ý là nhiều thôn, bản có phong trào mạnh mẽ, có các cuộc thi liên thôn bản, ở các lễ hội lớn của huyện. Đây cũng là nơi bảo tồn được nhiều giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể giá trị của người Sán Chỉ, tạo không gian tham quan du lịch hấp dẫn du khách" - bà Tô Thị Nga, Phó Phòng VH-TT huyện, cho biết.
Đơn cử như thôn Lục Ngù, nơi vẫn còn một số nhà cổ và hiện đã được Công ty CP Dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Long Hải JSC phục dựng để thu hút khách tham quan tại Khu du lịch sinh thái thác Khe Vằn. Ở đây cũng dành không gian sân rộng để tổ chức các hoạt động giao lưu thi đấu thể thao, trong đó có đánh quay.
Gần cột mốc và Cửa khẩu Hoành Mô, bản Pắc-Coóc cũng tổ chức sôi động các hội đánh quay xuyên Tết, thu hút nhiều du khách. Ngoài ra, còn có các bản thuộc xã Hoành Mô như: Loòng Vàng, Ngàn Kheo... nằm trên tuyến đường du lịch lên vườn hoa Cao Sơn. Đây là các thôn, bản lưng chừng núi, bao quanh bởi cảnh quan đẹp, rừng hồi, quế trập trùng, có cảnh đẹp ruộng bậc thang, nhà cổ, đồng thời còn thuận lợi cho việc tham quan vườn hoa Cao Sơn cách chừng 2km và cách cửa khẩu Hoành Mô chừng hơn 4km.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()