Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 00:37 (GMT +7)
Nền tảng để xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp
Thứ 3, 12/12/2023 | 08:56:12 [GMT +7] A A
Triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC), đặc biệt là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, cấp ủy, chính quyền các cấp của Quảng Ninh đã thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, sáng tạo nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận và khơi gợi sức mạnh toàn dân trong xây dựng và phát triển đất nước, là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển, đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Mô hình điển hình
Xây dựng các mô hình tiêu biểu trong triển khai QCDC ở cơ sở là cách làm sáng tạo, riêng có của Quảng Ninh nhằm đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở trong toàn tỉnh.
Mô hình "Giải pháp phối hợp giữa người sử dụng lao động với tổ chức công đoàn trong thực hiện tốt QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc”, Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin vừa được Đảng ủy Than Quảng Ninh công nhận và tặng giấy khen.
Theo bà Trần Thị Minh Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Than Cọc Sáu, thực hiện mô hình, Công đoàn công ty đã phối hợp chặt chẽ với Giám đốc công ty; các công đoàn bộ phận đã phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng đơn vị triển khai thực hiện tốt QCDC ở cơ sở. Vì vậy công tác an toàn trong 2 năm qua luôn được giữ vững; hội nghị người lao động năm 2022 và 2023 từ cấp công trường, phân xưởng đến công ty đã giải quyết thỏa đáng 303 ý kiến của người lao động; tổ chức đối thoại định kỳ hằng quý; tăng cường việc phổ biến kiến thức pháp luật, cập nhật kịp thời các điểm mới bổ sung, sửa đổi của các bộ luật để phổ biến, tuyên truyền cho CBCNLĐ trong công ty.
Với những cách làm trên, thời gian qua tại Công ty CP Than Cọc Sáu không có đơn thư, khiếu nại tố cáo; 100% đơn vị đều có cá nhân có sáng kiến, giải pháp, đóng góp tháo gỡ khó khăn cho công ty. Đã có trên 300 sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của CBCNLĐ trong công ty được đưa vào áp dụng nhằm tháo gỡ khó khăn, với giá trị làm lợi hàng trăm triệu đồng…
Mô hình "Giải pháp phối hợp giữa người sử dụng lao động với tổ chức công đoàn trong thực hiện tốt QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc” đã được nhân rộng đến toàn thể các đơn vị trong Công ty CP Than Cọc Sáu, với những nội dung cụ thể và hiệu quả mang lại. Đơn vị vẫn thực hiện bố trí đầy đủ việc làm cho người lao động với số ngày công bình quân là 22,5 công/người/tháng (bằng 104% so với năm 2021); thu nhập bình quân đầu người đạt 10,15 triệu đồng/tháng (tăng 1% so với năm 2021). Các chế độ chính sách cho người lao động được thực hiện đầy đủ, lương, thưởng các ngày lễ, tết được đảm bảo tối thiểu bằng mức bình quân của TKV…
Một trong những mô hình tiêu biểu nữa là “Tiếp tục triển khai nâng cao trách nhiệm của CBCC trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, gắn với việc triển khai thực hiện QCDC” của Phòng Tư pháp TP Hạ Long. Mô hình này đã được UBND TP Hạ Long công nhận và tặng giấy khen trong thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2022, 2023.
Ông Mạc Trung Dũng, Trưởng phòng Tư pháp TP Hạ Long khẳng định: Cán bộ Phòng Tư pháp luôn thể hiện vai trò gương mẫu, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, để nhân dân tin tưởng; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động thực hiện QCDC trong cải cách thủ tục hành chính; công khai minh bạch các thủ tục hành chính để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Nhờ thực hiện mô hình “Tiếp tục triển khai nâng cao trách nhiệm của CBCC trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với việc triển khai thực hiện QCDC”, Phòng Tư pháp TP Hạ Long đã đạt được một số thành tích đáng kể trong việc giải quyết thủ tục hành chính và cải cách hành chính theo thẩm quyền.
Năm 2022, Trung tâm Hành chính công thành phố đã hoàn thành việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả cho tất cả 41/41 hồ sơ thủ tục hành chính tư pháp. Việc giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền 1.607 hồ sơ được thực hiện một cách chính xác và trước hạn đề ra.
Năm 2023, việc triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính và hướng dẫn của Bộ Tư pháp cũng như UBND tỉnh là một bước tiến quan trọng của Phòng Tư pháp TP Hạ Long. Đơn vị đã tham mưu và triển khai đảm bảo 100% việc đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. Việc tiếp nhận, tham mưu và giải quyết theo thẩm quyền 1.125 hồ sơ cũng được thực hiện một cách hiệu quả, với 100% hồ sơ được theo dõi trạng thái và kết quả giải quyết thủ tục theo quy định.
Các kết quả này không chỉ thể hiện mức độ chuyên nghiệp và tính cơ động của Phòng Tư pháp TP Hạ Long, mà còn đem lại sự hài lòng và tin cậy cho người dân về dịch vụ hành chính công. Đây là những cột mốc quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của CBCC trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo thẩm quyền.
Chuyển biến tích cực
Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện QCDC gắn với các nhiệm vụ rà soát, xây mới, sửa đổi, bổ sung, nâng cao chất lượng ban hành các quy chế, quy định theo hướng thiết thực, khả thi, toàn diện, công khai, dân chủ, có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, vừa tập trung giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, trước mắt, cấp bách, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trung hạn và dài hạn.
Năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 294 hội nghị tập huấn về triển khai Luật Thực hiện dân chủ tới 11.851 lượt người, trong đó chủ yếu là lãnh đạo, CBCCVC các sở, ngành, địa phương, cấp xã, đại diện cấp ủy, cán bộ MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp, đại diện Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp tham dự. Chính quyền các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC, nhất là triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện công tác dân vận chính quyền tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp…
Theo ông Nguyễn Danh Văn, Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, dân tộc và tôn giáo (Ban Dân vận Tỉnh ủy), năm 2023, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng nhân dân cơ bản đã nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC, nhất là triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả QCDC ở cơ sở, gắn với triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của cơ quan bằng việc thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đây được xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở tỉnh, địa phương, cơ quan, đơn vị. Trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được nâng lên; dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp ở cơ sở ngày càng được mở rộng.
Việc thực hiện QCDC ở từng loại hình có nhiều chuyển biến tích cực, đã phát huy quyền làm chủ của người lao động và nhân dân trong tham gia đóng góp ý kiến, giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã quan tâm xây dựng mô hình điển hình về thực hiện QCDC ở cơ sở, trong đó đã có 14 mô hình được đề nghị là điển hình về thực hiện QCDC ở cấp tỉnh. Trình độ dân trí ngày càng cao, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực.
Người dân ngày càng có trách nhiệm hơn trong việc tham gia ý kiến về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và việc giải quyết các vấn đề xã hội do thực tiễn đặt ra. Từ đó, tiếp tục tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân để vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Trung Anh
Liên kết website
Ý kiến ()