Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:05 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường - Nền tảng để phát triển bền vững
Thứ 5, 15/09/2022 | 10:18:33 [GMT +7] A A
Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải thực hiện, là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển KT-XH của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã xác định công tác bảo vệ môi trường (BVMT) là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững trên địa bàn. Bởi vậy, BCH Đảng bộ tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác BVMT trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh qua các nhiệm kỳ, trong 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh; đồng thời ban hành các nghị quyết chuyên đề, các chỉ thị, kết luận về các lĩnh vực này để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ định hướng của tỉnh: “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu".
Đồng thời, chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 03 Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành 05 quyết định, 09 chương trình, kế hoạch, để triển khai thực hiện trong đó đi sâu vào quản lý từng thành phần môi trường, kiểm soát từng loại chất thải của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội như: không khí, nước thải, chất thải sinh hoạt, chất thải nhựa, chất thải có nguy cơ lây nhiễm SARS – CoV- 2...
Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính chiến lược, định hướng lâu dài, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh, giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cộng đồng về BVMT, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang ”xanh” của Quảng Ninh.
Nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững
Từ những chỉ đạo quyết liệt, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát. Tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng, đưa vào vận hành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt (5 khu xử lý liên vùng, liên huyện, 2 khu xử lý riêng cho một số xã đảo, đầu tư 20 lò đốt đã hoạt động và 7 lò đốt đang được trang bị mua sắm, đầu tư; 5 lò đốt đầu tư cho các xã, đảo, vùng sâu, vùng xa…)
Tỉnh cũng chấm dứt hoạt động 100% lò vôi thủ công từ năm 2018. Đề án bảo vệ cấp bách môi trường ngành Than giai đoạn 2016 - 2020 được tập trung triển khai có hiệu quả. Việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư đã được các địa phương tích cực thực hiện. Đến nay có 11/13 địa phương đã xây dựng kế hoạch di dời, 2 địa phương còn lại (Quảng Yên, Tiên Yên) đang triển khai xây dựng. 100% các khu đô thị mới có hệ thống xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; 100% các KCN có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung
Hệ thống đê điều ven biển được tu bổ, nâng cấp. Diện tích rừng ngập mặn được bảo vệ, giữ gìn. Tỉnh tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hợp tác quốc tế bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long. Toàn tỉnh đã triển khai mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng. Các vấn đề về biến đổi khí hậu đã được nhận diện, cảnh báo. Công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên đã dần đi vào nề nếp, gắn việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả với việc phòng, chống các hoạt động khai thác trái phép...
Đến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 96,2%; 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý; 98% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch, 99,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; toàn tỉnh lắp đặt, vận hành thường xuyên, liên tục 148 trạm quan trắc tự động môi trường nước, không khí.
Tỉnh cũng tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên và BVMT. Chỉ tính năm 2021, UBND tỉnh và các sở, ngành đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về BVMT đối với 681 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền xử phạt trên 12,7 tỷ đồng; xử lý hình sự 23 vụ/37 bị can.
Phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân, các đơn vị, doanh nghiệp. Công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT được nâng cao, phong phú về hình thức, thiết thực về nội dung. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cùng với các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước tăng dần qua các năm...
Những nỗ lực trong công tác BVMT của tỉnh bước đầu đã được ghi nhận. Các chỉ tiêu về BVMT, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu đều hoàn thành và vượt mức, là động lực thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển. Năm 2019, 2020, Quảng Ninh đứng thứ 2 trên toàn quốc về chỉ số Quản trị môi trường; đây cũng là 1 trong 8 chỉ số góp phần đưa Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc năm 2020 về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (theo Bộ chỉ số PAPI). Qua đánh giá Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT năm 2020, 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh được Bộ TNMT xếp hạng là một trong các tỉnh, thành phố ở mức Tốt.
Mặc dù vậy công tác BVMT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những thách thức, hạn chế, bất cập do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác than, các cơ sở sản xuất xi măng, nhiệt điện vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt chưa đồng bộ, nhiều khu vực không được đầu tư nâng cấp, cải tạo kịp thời. Công nghệ khai thác khoáng sản ngoài than còn lại hậu, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chế biến sâu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên ở một số địa phương, ngành, lĩnh vực còn lãng phí, hiệu quả còn thấp và chưa thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh phí đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu cao của sự phát triển bền vững...
Khi chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, nhiều vấn đề và thách thức môi trường mới nảy sinh, đòi hỏi công tác quản lý môi trường, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ phải thay đổi. Điều này đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh cần kiên định với quan điểm BVMT đã đề ra, tiếp tục xây dựng định hướng chiến lược, các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể nhằm tập trung nguồn lực, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với BĐKH trong tình hình mới.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Phạm Văn Cường:
Tập trung triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường
Để công tác bảo vệ môi trường tiếp tục phát huy hiệu quả, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn tiếp theo, đồng thời tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã được tỉnh ban hành. Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư thực hiện thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đẩy mạnh phối hợp bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên với các tỉnh, thành phố giáp ranh như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn và quản lý môi trường xuyên biên giới…
Từ nay đến cuối năm, sở tập trung triển khai xây dựng chương trình tập huấn Luật Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, các văn bản hướng dẫn thi hành cho 500 cán bộ các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn. Tham mưu cho tỉnh tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022 và Chương trình hành động số 68/CTr-UBND ngày 12/4/2018 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU nhằm đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất những nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2022-2025; đẩy mạnh giải quyết các kiến nghị của cử tri về môi trường; hướng dẫn đôn đốc các địa phương đối với tiêu chí về môi trường trong thực hiện nhiệm vụ về đích NTM, NTM nâng cao...
Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Đào Văn Vũ:
Đảm bảo cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững
Huyện Vân Đồn có gần 4.000ha nuôi trồng thủy sản (NTTS), nuôi nhuyễn thể ước khoảng 3.000ha, chủ yếu là ngao, hàu. Huyện cũng là địa phương có diện tích NTTS sử dụng phao xốp chiếm trên 90% trong toàn tỉnh, với 928 cơ sở NTTS sử dụng hơn 5,1 triệu phao xốp các loại. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc thay thế toàn bộ phao xốp trong NTTS trên biển vào năm 2022, từ đầu năm huyện đã khẩn trương rà soát, kiểm tra và tuyên truyền, vận động các hộ NTTS chuyển đổi phao xốp sang vật liệu nổi phù hợp; phối hợp với ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn vay vốn; hướng dẫn, kết nối các địa chỉ cung cấp vật liệu nổi đảm bảo quy chuẩn, chất lượng; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời đề xuất chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn cho các hộ NTTS. Tính đến 10/9/2022, trên địa bàn huyện đã cắt giảm được trên 2,7 triệu phao xốp (tương đương 2.100ha) chuyển đổi được 762.303 phao HDPE và giảm được 353 cơ sở nuôi trồng có sử dụng phao xốp, đến nay còn 575 cơ sở.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên Bùi Thị Kim Hoa:
Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vệ sinh môi trường
Hiệp Hòa là xã có nhiều nghề, đông dân, địa hình đồi núi phức tạp, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, do vậy hoạt động vệ sinh môi trường trên địa bàn rất khó khăn. Những năm qua, Hội Phụ nữ địa phương tích cực phối hợp cùng MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, đồng thời đưa công tác này vào thực hiện chuyên đề hằng năm. Hoạt động tổ chức dọn vệ sinh môi trường được các chi hội, hội viên thực hiện thường xuyên.
Từ đầu năm đến nay, các đoàn thể của xã tổ chức nhiều cuộc tổng vệ sinh trên địa bàn với hơn 6.075 lượt người tham gia, trong đó hội phụ nữ có gần 2.000 lượt tham gia. Hiện hội đang tham gia mô hình dân vận khéo cấp thị xã. Theo đó, hội đăng ký mô hình “Vận động cán bộ hội viên thực hiện nếp ăn, nếp ở theo mô hình 3 sạch”, thực hiện điểm tại Chi hội Phụ nữ thôn 14, sau đó nhân rộng đến 16 thôn. Chúng tôi hy vọng qua hoạt động của hội phụ nữ sẽ góp phần tuyên truyền, nêu gương, ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường của nhân dân trên địa bàn.
Bí thư Đoàn Trường THPT Hoành Bồ (TP Hạ Long) Trần Đăng Huỳnh:
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục môi trường đối với thế hệ tương lai của đất nước, những năm qua, Ban Giám hiệu Trường THPT Hoành Bồ luôn quan tâm chỉ đạo triển khai các hoạt động giáo dục môi trường gắn liền với phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đồng thời lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào trong các môn học. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên nhà trường cũng khuyến khích các em tham gia, góp sức vào bảo vệ môi trường như chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” tại địa phương.
Từ những hoạt động đó, ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường sinh hoạt, môi trường sống ở cộng đồng xã hội của các em học sinh ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, các em trở thành những tuyên truyền viên và thành viên tích cực trong bảo vệ môi trường trong gia đình và cộng đồng.
Thanh Hoa- Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()