Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:45 (GMT +7)
Nền tảng cho phát triển bền vững
Thứ 4, 07/07/2021 | 06:26:21 [GMT +7] A A
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với những giải pháp ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã và đang dồn lực cho nhiệm vụ phát triển KT-XH, trong đó đặc biệt chú trọng công tác an sinh xã hội, đảm bảo cho người dân có cuộc sống ổn định, an toàn.
Từ năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện và kéo dài đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động, hoặc tạm ngừng hoạt động... Điều này khiến cho nhiều lao động không có việc làm, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng loạt những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Các địa phương đã nghiêm túc triển khai hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp theo chủ trương, nghị quyết của Chính phủ và của tỉnh; kêu gọi các doanh nghiệp giữ việc làm, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động cũng như tư vấn, giới thiệu việc làm...
6 tháng đầu năm 2021, các ngành chức năng của tỉnh thực hiện chính sách pháp luật lao động, việc làm theo quy định và tư vấn việc làm cho 2.429 lượt lao động; tư vấn tuyển dụng cho 318 lượt doanh nghiệp; giới thiệu việc làm trong nước cho 1.404 lượt lao động; tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, giải quyết kịp thời chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 2.190 người lao động. Qua đó, đã giúp nhiều doanh nghiệp và người lao động giảm bớt khó khăn, vượt qua cơn “bĩ cực”, chung tay cùng tỉnh khôi phục nền kinh tế.
Song song với đó, tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo... Theo đó, các chương trình, mục tiêu phát triển KT-XH, nhất là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo tiếp tục được quan tâm dành nguồn lực triển khai hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân được quan tâm. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế khó khăn, như: Cấp 100% kinh phí mua BHYT cho người từ 75 đến dưới 80 tuổi đang sinh sống trên địa bàn tỉnh không có trợ cấp xã hội, hoặc đang hưởng tiền tuất hằng tháng; hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo... Nhờ đó, tỷ lệ người dân Quảng Ninh tham gia BHYT đạt cao với 94% dân số.
Đặc biệt, tỉnh đã phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, qua đó đã tạo được sự hưởng ứng tích cực của CBCCVC-NLĐ và người dân trên địa bàn tham gia. Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 đảm bảo an toàn cho 17.453 người là cán bộ tuyến đầu phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Đợt tiêm thứ 3 và 4 diễn ra từ 20/6 đến 15/8, tỉnh dự kiến tiêm 21.100 liều vắc xin...
Cùng với các hoạt động trên, tỉnh không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc tặng quà nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2021), kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam 10/8 (1961-2021). Những ngày này, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho người có công, đối tượng chính sách. Theo bà Phạm Thị Vang, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 13.000 đối tượng người có công hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng của Nhà nước. Từ đầu năm đến nay, 100% đối tượng được thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi đảm bảo theo đúng quy định. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 6 vừa qua, tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp gộp 2 tháng (6 và 7) cho người có công… Qua đó, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa tạo thuận tiện trong công tác lĩnh trợ cấp của người có công.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành trong tỉnh cũng chủ động, nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với người cao tuổi, người nghèo cùng các đối tượng yếu thế trong xã hội; quan tâm chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn...
Dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên công tác an sinh xã hội luôn là nhiệm vụ được tỉnh ưu tiên. Tổng chi an sinh xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm nay của tỉnh ước đạt 895,6 tỷ đồng, bằng 77,3% cùng kỳ năm 2020. Những hoạt động thiết thực trên thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương đối với công tác an sinh xã hội, thiết thực xây dựng Quảng Ninh an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()