Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:51 (GMT +7)
Nền kinh tế Nga sau hơn một năm bị phương Tây trừng phạt
Thứ 5, 06/04/2023 | 09:55:32 [GMT +7] A A
Do các lệnh trừng phạt làm cắt giảm nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga, chính phủ nước này đang bị thâm hụt ngân sách và người tiêu dùng đã giảm chi tiêu.
Theo bình luận của tờ Wall Street Journal mới đây, khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tiếp tục bước sang năm thứ hai và các biện pháp trừng phạt của phương Tây ngày càng nặng nề hơn, ngân sách của chính phủ Nga đang bị thu hẹp và nền kinh tế của nước này đã chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng thấp hơn, có thể là trong dài hạn.
Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga, khí đốt và dầu mỏ, đã mất đi những khách hàng lớn. Tài chính của chính phủ đang căng thẳng. Đồng rúp đã giảm hơn 20% kể từ tháng 11 năm ngoái so với đồng USD.
Mặc dù hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy những khó khăn kinh tế lớn ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động quân sự đang diễn ra của Nga ở Ukraine, nhưng ngân sách nhà nước suy giảm cho thấy Nga gặp khó trong cân bằng giữa chi tiêu quân sự ngày càng tăng với các khoản trợ cấp và chi tiêu xã hội.
Khi Nga mất phần lớn thị trường châu Âu và các nhà đầu tư phương Tây khác rút lui, Nga có nguy cơ ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc. Maria Shagina, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế London, nhận định: “Mặc dù Nga có khả năng phục hồi trong ngắn hạn, nhưng bức tranh dài hạn rất ảm đạm: Moskva sẽ hướng nội nhiều hơn và phụ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Quốc”.
Các chính phủ châu Âu, thay vì giảm bớt ủng hộ Ukraine, đã nhanh chóng chuyển sang tìm kiếm các nguồn khí đốt tự nhiên và dầu mỏ mới để thay thế cho nguồn từ Nga. Hầu hết các dòng khí đốt của Nga đến châu Âu đã dừng lại sau khi tăng vọt lúc đầu. Giá khí đốt toàn cầu đã giảm mạnh. Moskva hiện cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu 5% cho đến tháng 6 so với mức trước đó. Nước này cũng đang bán rẻ dầu của mình so với giá toàn cầu.
Kết quả là doanh thu năng lượng của chính phủ Nga giảm gần một nửa trong hai tháng đầu năm nay so với năm ngoái, trong khi thâm hụt ngân sách ngày càng sâu. Điều đó đang buộc Moskva phải sử dụng thêm quỹ đầu tư quốc gia, một trong những vùng đệm chống khủng hoảng chính của nước này.
Các quan chức Nga đã thừa nhận những khó khăn nhưng nói rằng nền kinh tế đã nhanh chóng thích nghi. Tổng thống Vladimir Putin cho biết chính phủ Nga đã hoạt động hiệu quả trong chống lại các mối đe dọa đối với nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết trong tháng 3 rằng xuất khẩu giảm, thị trường lao động thắt chặt và chi tiêu chính phủ tăng đang làm trầm trọng thêm rủi ro lạm phát. Lạm phát của Nga đã ở mức khoảng 11% trong tháng 2 so với cùng kì năm ngoái.
Theo Viện Chính sách kinh tế Gaidar có trụ sở tại Moskva, ngành công nghiệp của Nga đang trong tình trạng khủng hoảng lao động. Tình trạng chảy máu chất xám sau cuộc xung đột và đợt huy động quân sự 300.000 người vào mùa thu năm ngoái đã khiến khoảng một nửa số doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động.
Trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất máy bay gần đây, ông Putin cũng thừa nhận tình trạng thiếu lao động đang cản trở hoạt động sản xuất quân sự. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý chính phủ đã chuẩn bị một danh sách các ngành nghề ưu tiên để được hoãn phục vụ nghĩa vụ quân sự.
Trong khi Moskva đã tăng cường nhập khẩu các công nghệ quan trọng từ các quốc gia khác, bao gồm cả chất bán dẫn và vi mạch từ Trung Quốc, thì trong nhiều lĩnh vực dân sự, các bộ phận rất khó thay thế.
Mặc dù chịu áp lực lớn từ các lệnh trừng phạt, nhưng các công ty Nga đang thích ứng với các lệnh cấm nhập khẩu của phương Tây. Nga cũng đã tìm cách thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng hóa tự sản xuất. Vasily Astrov, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna (Áo), cho biết: “Điều này giống như quay trở lại thời Xô Viết, tự mình làm mọi thứ".
Với tất cả những diễn biến trên, trong năm nay, hầu hết các nhà phân tích, tổ chức kinh tế dự đoán GDP của Nga sẽ giảm thêm, mặc dù một số, trong đó IMF, dự báo mức tăng trưởng khiêm tốn. Nhưng IMF lưu ý đến năm 2027, sản lượng kinh tế của Nga dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 7% so với dự báo trước xung đột.
Công ty tư vấn Rystad Energy dự báo đầu tư vào thăm dò và sản xuất dầu khí của Nga sẽ giảm xuống còn 33 tỷ USD trong năm nay từ mức 57 tỷ USD được dự đoán trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Điều đó có nghĩa là xuất khẩu sẽ giảm đi. Trong khi đó, các nhà phân tích tại BP PLC ước tính rằng tổng sản lượng dầu của Nga, khoảng 12 triệu thùng/ngày vào năm 2019, sẽ giảm xuống còn từ 7 triệu đến 9 triệu thùng/ngày vào năm 2035.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()