Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:48 (GMT +7)
Nên cho trẻ ăn gì khi bị tay chân miệng và những lưu ý về chế độ dinh dưỡng
Thứ 3, 05/07/2022 | 08:54:44 [GMT +7] A A
Nên cho trẻ ăn gì khi bị tay chân miệng và những lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ là quan tâm của nhiều cha mẹ khi có con đang bị tay chân miệng, dinh dưỡng góp phần củng cố hệ miễn dịch giúp trẻ nhanh phục hồi hơn.
1. Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh lý phổ biến ở nước ta và có khả năng lây nhiễm cao, thường gặp chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt dễ lây lan khi trẻ đi học. Bệnh tay chân miệng do virus Coxsackie gây ra, đây là một loại virus có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng, các chất tiết từ mũi, miệng, các nốt ban trên da và phân của trẻ bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, dấu hiệu thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, ho, đau họng và nổi ban đỏ trên da. Những vết ban này thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.
Thông thường, bệnh có thể tự khỏi tuy nhiên nếu không chăm sóc và điều trị cẩn thận, bệnh có thể để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Một trong những biến chứng phổ biến của bệnh tay chân miệng gây ra thường là tim mạch và thần kinh.
Biến chừng này có thể dẫn tới các bệnh như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não, nặng hơn có thể gây yếu hoặc liệt chi, liệt dây thần kinh sọ não, tăng huyết áp, trụy mạch...
Nếu trẻ có những dấu hiệu dưới đây, gia đình cần cho trẻ đi khám và xử trí đúng phác đồ điều trị. Khi trẻ có biến chứng mà không điều trị đúng phác đồ và kịp thời thì có thể dẫn tới tử vong trong vài giờ.
Khi trẻ sốt cao khó hạ liên tục trên 2 ngày; nôn ói nhiều, trẻ quấy khóc, hoảng hốt, tăng huyết áp, tăng nhịp tim... là những dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo biến chứng của bệnh tay chân miệng.
Tay chân miệng là bệnh lý phổ biến và lây nhiễm cao nên gia đình không được chủ quan vì nó có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu như không được điều trị và chăm sóc cẩn thận. Ngoài lưu ý trong phương pháp điều trị và chăm sóc thì chế độ dinh dưỡng cũng góp phần không nhỏ trong quá trình phục hồi ở trẻ. Vậy nên cho trẻ ăn gì khi bị tay chân miệng?
2. Nên cho trẻ ăn gì khi bị tay chân miệng?
2.1. Những thực phẩm nên ăn
Chăm sóc trẻ nhỏ trong giai đoạn bị bệnh và phục hồi có ý nghĩa quan trọng giúp trẻ có sức đề kháng chống lại virus gây bệnh. Chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý giúp trẻ nhanh phục hồi hơn. Dưới đây là một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi bị tay chân miệng:
- Cho trẻ ăn những loại thức ăn mềm loãng, nguội, dễ nhai, nuốt bởi lúc này miệng của trẻ đang bị đau rát do những nốt ban
- Chia nhỏ bữa ăn và khẩu phần ăn, không cố gắng ép trẻ ăn
- Cho trẻ ăn uống đủ chất, nhất là protein, kẽm để tạo kháng nguyên, kháng thể. Một số thực phẩm giàu protein như trứng, thịt, thịt nạc sữa chua, sữa, dưa hấu...
- Bổ sung vitamin C cho trẻ bằng các loại thực phẩm như trái cây họ cam quýt, ...
- Bổ sung vitamin A qua các loại thực phẩm như cà rốt, ngô, để chống bội nhiễm.
- Với trẻ sơ sinh hoặc bé 1 tuổi bị tay chân miệng cần cho trẻ bú mẹ bình thường, tăng lượng sữa, có thể cho trẻ bú nhiều lần trong ngày để đảm bảo năng lượng cho trẻ.
2.2. Những thực phẩm nên kiêng
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn khi bị tay chân miệng, cha mẹ cũng nên chú ý đến những thực phẩm nên tránh để giúp trẻ nhanh khỏi hơn:
- Không cho trẻ ăn những loại thức ăn cứng, nóng vì sẽ ảnh hưởng đến vết loét trong miệng trẻ khiến trẻ càng đau, khó ăn, khó nuốt, từ đó trẻ sẽ bỏ ăn.
- Tránh ăn những loại đồ ăn mặn, cay, nhiều dầu mỡ dù là món yêu thích của trẻ
- Tránh những loại muỗng, thìa sắc nhọn, tránh va chạm vào những vết loét ở lưỡi và môi của trẻ.
- Không cho trẻ ăn những loại thực phẩm khó tiêu, đồ ăn nhanh vì khi ốm, hệ tiêu hóa của trẻ không ổn định, dễ gây khó tiêu, táo bón, gia tăng sự khó chịu cho trẻ.
Ngoài những lưu ý nên cho trẻ ăn gì khi bị tay chân miệng thì chăm sóc vệ sinh cho trẻ cũng nên được chú ý:
- Người chăm sóc cần rửa tay kỹ với xà phòng khi nấu ăn trước và sau khi chăm trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ chọc vỡ các mụn nước trên da, vệ sinh cơ thể cho trẻ hàng ngày, mặc quần áo thông thoáng, khô ráo...
- Không nên kiêng tắm vì sẽ càng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, có thể khiến bệnh ngày càng nặng hơn, tạo điều kiện cho những biến chứng nguy hiểm.
- Nếu trẻ đi học, nên cho trẻ nghỉ học ngay để tránh lây lan cho người khác.
3. Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
Do chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, do vậy gia đình cần chú ý phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là những trẻ chuẩn bị bước vào độ tuổi đi học nhà trẻ.
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên phòng bệnh chân tay miệng cho con bằng một số biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh, không nên đưa trẻ đến chỗ đông người nhất là khi dịch bùng phát
- Cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
- Tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh bằng việc cho bú mẹ nhiều hơn; trẻ không còn bú mẹ thì tăng cường miễn dịch cho trẻ qua dinh dưỡng, vận động, thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh.
- Cha mẹ, ông bà tuyệt đối không mớm cơm, nhai cơm cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, hạn chế mút tay, ngậm mút đồ chơi.
- Rửa tay, chân sạch bằng xà phòng dưới vòi nước sạch
- Khi trẻ đang bị bệnh, cần được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi phát bệnh, khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bị tay chân miệng cần nghỉ học để tránh lây lan cho người khác.
Có thể nói, khi trẻ bị tay chân miệng cha mẹ nên chú trọng vào chế độ dinh dưỡng cho con. Bổ sung nhiều dưỡng chất và Vitamin sẽ giúp trẻ hồi phục và khỏi bệnh nhanh hơn.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()