Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:47 (GMT +7)
Nên ăn gì trong và sau khi dùng kháng sinh?
Thứ 2, 22/04/2024 | 11:30:24 [GMT +7] A A
Dùng men vi sinh sau khi dùng kháng sinh có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa và giảm tác dụng phụ, bao gồm tiêu chảy. Ăn thực phẩm giàu chất xơ và prebiotic cũng có thể hữu ích.
Thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong việc điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Tuy nhiên, loại thuốc này thường gây ra tác dụng phụ về đường tiêu hóa như:
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Đầy hơi
- Chứng khó tiêu
- Đau bụng
- Ăn không ngon
Những tác dụng phụ này có thể gây khó chịu nhưng chúng có xu hướng qua đi nhanh chóng.
Một số thực phẩm có thể làm giảm những tác dụng phụ này, trong khi những thực phẩm khác có thể khiến tác dụng phụ trở nên tồi tệ hơn. Dưới đây là những thực phẩm nên và không nên ăn trong và sau khi dùng kháng sinh.
1. Nên ăn gì trong và sau khi dùng kháng sinh?
- Men vi sinh
Dùng thuốc kháng sinh có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột và có thể dẫn đến tiêu chảy.
Mà nghiên cứu cho thấy rằng dùng men vi sinh trong hoặc sau khi bạn dùng thuốc kháng sinh có thể giúp duy trì sự đa dạng của vi khuẩn trong đường ruột. Men vi sinh dường như cũng làm giảm lượng gen kháng kháng sinh (ARG) trong ruột, điều này có thể giúp giảm nguy cơ kháng kháng sinh.
Tuy nhiên, do bản thân men vi sinh thường là vi khuẩn nên chúng cũng có thể bị thuốc kháng sinh tiêu diệt nếu dùng cùng nhau. Vì vậy, để đạt hiệu quả, bạn nên đợi 4-6 giờ sau khi uống một liều kháng sinh rồi sau đó mới dùng men vi sinh.
- Thực phẩm lên men
Thực phẩm lên men có chứa một số loại vi khuẩn có thể giúp khôi phục hệ vi sinh vật đường ruột về trạng thái khỏe mạnh sau khi dùng kháng sinh, chẳng hạn như Lactobacilli.
Những thực phẩm lên men mà mọi người có thể bổ sung như sữa chua, dưa cải bắp, kombucha, kim chi,...
- Thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ có thể kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là bổ sung thực phẩm giàu chất xơ khi dùng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến cách dạ dày hấp thụ thuốc. Nhưng khi đã sử dụng hết liều kháng sinh, việc bổ sung chất xơ có thể giúp phục hồi các vi khuẩn có lợi và thúc đẩy quá trình tiêu hóa hợp lý.
Vì vậy, bạn chỉ nên ăn thực phẩm giàu chất xơ sau khi kết thúc đợt điều trị bằng kháng sinh. Các thực phẩm giàu chất xơ như chuối, quả mọng, đậu, bông cải xanh, quả hạch,...
- Thực phẩm prebiotic
Không giống như men vi sinh là vi khuẩn sống, prebiotic là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi sống trong hệ vi sinh vật đường ruột. Việc nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột trước và sau khi dùng thuốc kháng sinh có thể giúp mang lại sự cân bằng cho đường ruột.
Các thực phẩm giàu prebiotic như các loại đậu, yến mạch, chuối, các loại quả mọng, măng tây, bồ công anh, tỏi, tỏi tây,...
2. Không nên ăn gì để tránh làm giảm hiệu quả của kháng sinh?
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, bạn không nên ăn một số loại thực phẩm trong khi dùng kháng sinh để tránh làm giảm hiệu quả của thuốc như:
- Bưởi hoặc uống nước ép bưởi vì loại trái cây này có thể ngăn cản cơ thể phân hủy thuốc đúng cách. Nghiên cứu cho thấy nước ép bưởi cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của một số loại kháng sinh.
- Thực phẩm bổ sung canxi, chẳng hạn như nước cam tăng cường canxi, cũng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ kháng sinh.
3. Kháng sinh và rượu
Bạn nên tránh uống rượu khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, trong đó có cả kháng sinh. Trong hầu hết các trường hợp, uống rượu vừa phải sẽ không ảnh hưởng đến tác dụng của kháng sinh nhưng có thể khiến tác dụng phụ trở nên trầm trọng hơn.
Đặc biệt, mọi người không nên sử dụng rượu khi đang uống một số loại kháng sinh:
- Metronidazole - thuốc điều trị nhiễm trùng răng, nhiễm trùng âm đạo, loét chân bị nhiễm trùng và loét do tỳ đè.
- Tinidazole - thuốc điều trị nhiễm trùng răng, nhiễm trùng âm đạo, loét chân bị nhiễm trùng và lở loét do áp lực, đồng thời loại bỏ vi khuẩn có tên Helicobacter pylori khỏi ruột.
Uống rượu khi đang sử dụng một trong những loại kháng sinh này có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng và các triệu chứng sau:
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Nóng bừng
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
Mọi người nên tránh uống rượu trong 48 giờ sau khi kết thúc một đợt metronidazole và trong 72 giờ sau khi kết thúc một đợt tinidazole.
4. Một số lưu ý khác khi sử dụng kháng sinh
Kháng sinh chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết vì loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ theo nhiều cách, đặc biệt khi bị lạm dụng. Dưới đây là những lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ:
- Sử dụng đúng theo liệu trình: Bạn cần phải sử dụng đúng liều lượng thuốc mà bác sĩ đã kê, ngay cả khi bạn cảm thấy bệnh đã tốt hơn. Thuốc kháng sinh từ từ vô hiệu hóa vi khuẩn khiến bạn bị bệnh và nếu bạn không dùng hết thuốc, một số vi khuẩn có thể vẫn tồn tại và phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh, khiến chúng khó điều trị hơn trong tương lai.
- Nên uống thuốc trong ngày cùng một thời điểm: Ban có thể lên kế hoạch dùng thuốc kháng sinh vào cùng một thời điểm mỗi ngày và đều đặn. Hãy cân nhắc việc sắp xếp lịch uống trước hoặc sau bữa ăn để bạn có thể ghi nhớ và nếu bác sĩ cho phép dùng chúng cùng với thức ăn.
Nếu bạn bỏ lỡ một liều, đừng tăng gấp đôi liều tiếp theo; hãy uống ngay khi nhớ ra và tiếp tục dùng liều đơn vào những khoảng thời gian an toàn như đã khuyên cho đến khi bạn hoàn thành đơn thuốc.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Thuốc kháng sinh có khả năng làm tăng độ nhạy cảm của bạn với ánh sáng. Do vậy, bạn nên hạn chế thời gian ở ngoài trời, đặc biệt là khi mặt trời chiếu gay gắt. Nếu bạn đi ra ngoài, hãy thoa kem chống nắng và mặc quần áo bảo hộ để tránh bị cháy nắng và tổn thương da.
Điều đặc biệt quan trọng mọi người nên ghi nhớ, kháng sinh chỉ có tác dụng trong các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn và không thể điều trị các bệnh do virus. Mọi người nên sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng khi chưa biết nguyên nhân.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()