NATO điều thêm lực lượng đến Kosovo, sau khi khoảng 30 binh sĩ của liên minh bị thương trong đụng độ với cộng đồng gốc Serbia ở vùng ly khai.
"Chúng tôi đã quyết định triển khai thêm 700 binh sĩ từ lực lượng tác chiến dự phòng khu vực tây Balkan đến Kosovo và đặt một tiểu đoàn trong trạng thái sẵn sàng cao để điều động khi cần thiết", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói ngày 30/5.
Theo ông Stoltenberg, NATO hiện có khoảng 4.000 binh sĩ đang đóng quân ở Kosovo, vùng lãnh thổ ly khai ở tây nam Serbia.
Đô đốc Stuart Munsch, chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Đồng minh ở Naples, Italy, cho biết triển khai thêm binh sĩ "là biện pháp thận trọng để đảm bảo Lực lượng Kosovo (KFOR) của NATO có đủ khả năng cần thiết để duy trì an ninh".
Động thái diễn ra sau khi đụng độ bùng phát giữa cảnh sát Kosovo với người biểu tình gốc Serbia trước tòa nhà hành chính của thị trấn Zvecan thuộc vùng ly khai ngày 29/5, khi đoàn người cố gắng xông vào bên trong và lực lượng thực thi pháp luật bắn hơi cay để ngăn cản.
Các binh sĩ KFOR ban đầu cố gắng tách người biểu tình khỏi cảnh sát, sau đó dùng khiên và dùi cui để giải tán đám đông. Hơn 30 binh sĩ và hơn 50 dân thường đã bị thương trong đụng độ.
Tình hình tại Kosovo ngày 30/5 vẫn căng thẳng. Hàng chục binh sĩ NATO với trang bị chống bạo động tiếp tục bảo vệ an ninh cho tòa nhà chính quyền Zvecan trước người biểu tình gốc Serbia. Người biểu tình giải tán vào chiều cùng ngày và tuyên bố sẽ trở lại vào sáng 31/5, hãng tin SerbiaTanjugcho biết.
Cộng đồng người Serbia gần đây biểu tình để phản đối kết quả bầu cử địa phương tháng 4, với ứng viên gốc Albania đắc cử thị trưởng một số thị trấn miền bắc Kosovo, trong đó có Zvecan. Cộng đồng này trước đó tẩy chay bầu cử, phần nào tạo điều kiện để người gốc Albania kiểm soát các hội đồng địa phương, dù tỷ lệ cử tri đi bầu thấp.
Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell ngày 30/5 đề nghị lãnh đạo Kosovo và Serbia lập tức xuống thang căng thẳng, cảnh báo khối này "đang thảo luận các biện pháp có thể triển khai nếu hai bên tiếp tục bác bỏ những bước đi được đề xuất để hạ nhiệt tình hình".
Ngacùng ngày kêu gọi các bên có bước đi kiên quyết để hạ nhiệt căng thẳng, cho rằng phương Tây "nên dừng lan truyền dối trá về tình hình Kosovo". Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Đức trước đó đã ra tuyên bố chung kêu gọi Kosovo lùi bước và xuống thang căng thẳng.
Đại sứ Mỹ tại Kosovo Jeffrey Hovenier ngày 30/5 nóiMỹđã quyết định không cho Kosovo tham gia một cuộc diễn tập quân sự chung vì Pristina từ chối rút các thị trưởng và cảnh sát khỏi miền bắc.
Kosovo, với diện tích khoảng 10.800 km2, là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008, song Serbia không công nhận và tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Kosovo có 1,8 triệu dân, chủ yếu là người Albania.
Khoảng 120.000 người Serbia sống tại miền bắc Kosovo không công nhận chính quyền ở Pristina. Họ trung thành về mặt chính trị vớiSerbia, nước vẫn cung cấp hỗ trợ tài chính cho cộng đồng này. Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.
Ý kiến ()