"Chúng tôi không có kế hoạch mở rộng chương trình chia sẻ hạt nhân hay triển khai thêm vũ khí hạt nhân tới bất kỳ quốc gia NATO nào khác", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Ba Lan ngày 23/4.
Chia sẻ hạt nhân là một phần trong chính sách răn đe của NATO, cho phép bố trí vũ khí hạt nhân tại các nước thành viên không sở hữu năng lực này. Ngoài ra, chương trình có thể bao gồm những hoạt động như cung cấp máy bay hộ tống hoặc máy bay trinh sát để thực hiện sứ mệnh hạt nhân.
Trong khuôn khổ chương trình, NATO đã triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ tới Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 12/2009. Washington có toàn quyền kiểm soát, vận hành các khí tài hạt nhân mà quốc gia này triển khai ở nước ngoài.
Ông Stoltenberg đưa ra tuyên bố sau khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói Warsaw sẵn sàng để NATO triển khai vũ khí hạt nhân tại quốc gia này.
"Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan như một phần kế hoạch chia sẻ hạt nhân để củng cố sườn đông NATO, chúng tôi sẵn sàng để họ thực hiện quyết định đó", ông Duda cho biết trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 22/4, thêm rằng điều này sẽ là bước tiến trong việc tăng cường năng lực răn đe với Nga.
Đây không phần lần đầu tiên Ba Lan đề xuất ý tưởng này. Tháng 6/2023, Mateusz Morawiecki, khi đó là Thủ tướng Ba Lan, cho biết nước này sẵn sàng gia nhập chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO, nhằm đáp trả việc Nga thông báo triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus.
Tổng thống Duda hồi năm 2022 cũng cho biết đang đàm phán với Mỹ về việc để NATO triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan nhằm chống lại mối đe dọa từ Nga.
Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của ông Duda đã vấp phải phản ứng từ Thủ tướng Ba Lan đương nhiệm Donald Tusk. Ông Tusk nói cần phải thảo luận với ông Duda về đề xuất trên ngay lập tức.
"Đây là một ý tưởng rất lớn và tôi rất muốn biết những nguyên nhân nào đã thúc đẩy Tổng thống đưa ra tuyên bố như vậy", Thủ tướng Ba Lan nói. "Bất kỳ sáng kiến tiềm năng nào cũng phải được những người có trách nhiệm chuẩn bị kỹ lưỡng. Tất cả mọi người đều phải hoàn toàn nhất trí rằng họ muốn điều đó".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 23/4 cảnh báo Nga sẽ thực hiện các động thái cần thiết để bảo đảm an ninh nếu NATO triển khai vũ khí hạt nhân tại Ba Lan.
"Quân đội Nga sẽ phân tích tình hình trong trường hợp kế hoạch đó được tiến hành và sẽ thực hiện mọi biện pháp đáp trả cần thiết để bảo đảm an toàn của đất nước", ông Peskov khẳng định.
Ý kiến ()