Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:29 (GMT +7)
Người nặng lòng với nghề thêu truyền thống
Thứ 2, 22/05/2023 | 09:52:26 [GMT +7] A A
Từ sáng kiến và vai trò “lá cờ đầu” của bà Lê Thị Phương, Trưởng Ban Công tác Mặt trận bản Tài Lý Sáy (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà), CLB thêu truyền thống được thành lập, thu hút đông đảo phụ nữ Dao Thanh Phán trong bản tham gia. Mô hình đã góp phần giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao nơi đây.
Bà Phương quê gốc ở miền xuôi, nhưng sinh sống, làm việc gần như cả cuộc đời ở xã Quảng Lâm. Bà có niềm đam mê lớn về văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán, nhất là nghề may thêu truyền thống. Cuộc sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền ngày càng mạnh mẽ cũng vô tình khiến cho các ranh giới bị xóa nhòa, nhiều giá trị truyền thống có nguy cơ bị phai nhạt dần, trong đó có nghề thêu truyền thống của đồng bào Dao Thanh Phán. Bà Phương trên cương vị là Trưởng Ban Công tác Mặt trận bản Tài Lý Sáy, đã có sáng kiến thành lập CLB thêu truyền thống do bà làm Chủ nhiệm, tập hợp đông đảo phụ nữ trong bản cùng tham gia. Được sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, CLB ra đời năm 2018, duy trì hoạt động đến nay.
Mỗi cuối tuần nông nhàn, chị em phụ nữ ở bản Tài Lý Sáy tập trung về nhà bà Lê Thị Phương, cùng trao đổi, học hỏi lẫn nhau về những hoa văn, cách kết hợp họa tiết, phối màu mới... để trang phục của mình thêm đẹp. Những cô gái trẻ được nghe các bà, các chị giải thích về ý nghĩa trong từng đường kim, mũi chỉ, hàm chứa câu chuyện phong phú về đời sống tinh thần, tín ngưỡng, văn hóa... của dân tộc mình được lưu truyền qua hàng trăm năm.
“Sự độc đáo ẩn chứa trên bộ trang phục may thêu thủ công của đồng bào nơi đây đã khiến tôi say mê, nặng tình suốt mấy chục năm nay. Từ đó quyết tâm góp sức giữ gìn, phát huy nét đẹp này” - bà Phương chia sẻ.
Việc may, thêu thủ công thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại đòi hỏi nhiều kỹ năng, tố chất của người thực hiện. Một người khéo tay, muốn hoàn thành được đủ bộ trang phục truyền thống của người Dao Thanh Phán, gồm áo, quần, mũ đội đầu, khăn quàng cổ, đai áo, dây lưng và các đồ trang sức khác đi kèm... cũng cần đến vài năm cần mẫn. Nếu là trang phục cô dâu, thầy cúng thì càng cần bỏ nhiều công phu hơn nữa. Nhờ tham gia CLB, chị em phụ nữa bản Tài Lý Sáy luôn giữ được sự say mê, sáng tạo với những sản phẩm may, thêu truyền thống đặc sắc. Với vai trò chủ nhiệm CLB, bà Phương còn đứng ra kết nối với các địa phương khác trong và ngoài huyện để có hoạt động giao lưu, học hỏi, nâng cao tay nghề cho các thành viên. Nhờ đó các chị em hiện không chỉ làm ra trang phục sử dụng trong gia đình, mà còn có sản phẩm bán tại các dịp chợ phiên hằng tháng, tạo thêm thu nhập. Nhiều mẫu khăn, áo phức tạp dùng cho các dịp ma chay, cưới hỏi, cúng bái... đều được các thành viên CLB tự tay hoàn thiện.
Gần 1 năm nay, CLB đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực giáo dục truyền thống cho các em nhỏ tại địa phương. Được sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã, các thành viên CLB trở thành giáo viên đứng lớp trong những giờ ngoại khóa, được học sinh rất yêu thích. Từng mẫu thêu được thành hình cũng là lúc những cô, cậu học trò nhỏ được học thêm những bài học mới về tính kiên nhẫn, sự tỉ mỉ, sức sáng tạo - những phẩm chất đáng quý để vận dụng vào cuộc sống.
Bà Phương tâm sự: Việc thành lập CLB không chỉ là niềm đam mê, mà là một hành động rất cụ thể góp phần giúp đồng bào nơi đây giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa. Những năm qua, nội dung này luôn được Chi bộ bản Tài Lý Sáy quán triệt sâu sắc tới từng cán bộ, đảng viên; lan tỏa đến thế hệ trẻ.
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()