Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:35 (GMT +7)
Nâng tầm thương hiệu OCOP chất lượng cao
Thứ 3, 25/02/2020 | 11:53:05 [GMT +7] A A
Tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã và đang chú trọng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Vươn tầm cấp quốc gia
Được đầu tư từ năm 2011, đến nay, du lịch làng quê Yên Đức (TX Đông Triều) là thương hiệu được nhiều du khách biết đến. Với sự đầu tư bài bản cả về hạ tầng, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, du lịch làng quê Yên Đức đã trở thành sản phẩm OCOP không chỉ của TX Đông Triều mà được định hướng là một trong 6 sản phẩm chủ lực cấp quốc gia. Điểm thu hút nhất của du lịch làng quê Yên Đức đó là du khách được trải nghiệm "Một ngày làm nông dân" với các công việc đồng áng như bắt cá bằng nơm, trồng rau, giã gạo, xem múa rối nước, tham quan các di tích núi Canh, hang 73, chùa Cảnh Huống và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Không chỉ có du lịch làng quê Yên Đức, việc đưa lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái trở thành sản phẩm định hướng cấp quốc gia là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất. Anh Phạm Minh Huy, Giám đốc HTX Giò chả Quang Dần (phường Ka Long, TP Móng Cái) chia sẻ: Khi trở thành thương hiệu định hướng cấp quốc gia, thị trường tiêu thụ sẽ lớn hơn. Vì vậy, các khâu chế biến, sản xuất cho đến đầu tư máy móc, chúng tôi sẽ phải hoàn thiện và nâng cấp. Đây là cơ hội lớn cho HTX khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm của mình với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hiện, toàn tỉnh có 392 sản phẩm với 152 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, trong đó, 191 sản phẩm đạt sao. Để nâng tầm sản phẩm OCOP, định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2018-2020.
Du khách trải nghiệm bắt cá bằng nơm tại Khu du lịch Yên Đức (TX Đông Triều). Ảnh: Hoàng Quý |
Theo đó, mục tiêu cụ thể đối với nhóm sản phẩm cấp tỉnh đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng dùng chung vùng sản xuất nguyên liệu, phát triển sản phẩm theo chuỗi, hoàn thiện các quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm OCOP chủ lực. Các sản phẩm được tổ chức đánh giá, phân hạng hàng năm và đạt tối thiểu từ 3 sao trở lên, 100% các cơ sở chế biến phải đáp ứng được tiêu chuẩn: Ứng dụng công nghệ chế biến tiên tiến, có hợp đồng hợp tác giữa cơ sở chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu đảm bảo theo chuỗi, phấn đấu năm 2020 có 80% sản phẩm sản xuất theo công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, 100% các tổ chức kinh tế tham gia sản xuất các sản phẩm chủ lực phải cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về ATTP; 100% các sản phẩm được xác định thị trường phù hợp, có kênh phân phối sản phẩm. Đặt mục tiêu năm 2020 có ít nhất 12 chuỗi sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, có ít nhất 8 chuỗi sản phẩm đạt doanh thu trên 150 tỷ đồng/năm. Với nhóm sản phẩm định hướng cấp quốc gia cần mở rộng quy mô sản xuất. Trong năm 2020 có ít nhất 6 chuỗi sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm chủ lực định hướng cấp quốc gia, 3 chuỗi sản phẩm đạt doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm.
Sản phẩm miến dong Bình Liêu được đầu tư về công nghệ và quy trình, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh Xuân 2020. |
Thực hiện nhiều giải pháp
Mục tiêu thực hiện chương trình OCOP chủ lực cấp tỉnh, định hướng cấp quốc gia mở ra nhiều cơ hội cũng như yêu cầu cho các đơn vị sản xuất cũng như công tác quản lý, chỉ đạo triển khai của chính quyền. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, chương trình OCOP vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn.
Dù đã bước sang năm thứ 7 thực hiện chương trình OCOP nhưng một số sản phẩm OCOP hiện nay vẫn tồn tại hạn chế, sức cạnh tranh trên thị trường chưa lớn. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu phục vụ chưa ổn định, sản xuất nhỏ lẻ; việc ứng dụng khoa học, công nghệ, quy trình tiên tiến vào sản xuất, chế biến còn yếu kém; sản phẩm cung cấp ra thị trường còn hạn chế về chủng loại, số lượng, mẫu mã. Một số sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng sao (chủ yếu từ năm 2016), tuy nhiên doanh nghiệp không chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất, không nâng cấp bao bì tem nhãn, có sản phẩm không tiếp tục sản xuất. Thậm chí, ở một số đơn vị, nhà xưởng máy móc thiết bị đã xuống cấp, không kịp thời duy tu bảo dưỡng, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Ngoài ra, một trong những vấn đề nan giải hiện nay là tình trạng đăng ký bảo hộ còn chậm trễ, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về vấn đề này. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các sản phẩm nông sản địa phương dễ bị làm giả, làm nhái cũng như hạn chế sức cạnh tranh trên thị trường. Thêm vào đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa được xếp hạng, mới đưa vào sản xuất hoặc đăng ký tham gia chương trình đã sử dụng nhãn hiệu OCOP. Tình trạng này không chỉ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nhãn hiệu OCOP nói riêng và các sản phẩm OCOP nói chung.
Vì vậy, triển khai chủ đề Chương trình OCOP năm 2020 “Sản phẩm chuyên nghiệp”, Ban Chỉ đạo OCOP đã đưa ra một số hướng đi cụ thể. Trong đó, tăng cường việc khảo sát thực trạng, lập kế hoạch và triển khai các hoạt động với chuyên đề "Sản phẩm chuyên nghiệp" nhằm có thể mở rộng thị trường toàn quốc và xuất khẩu. Bên cạnh đó, lựa chọn từ các sản phẩm tiêu chuẩn 5 sao cấp tỉnh và các sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm quốc gia để xây dựng và triển khai các dự án sản phẩm chuyên nghiệp với các nội dung trọng tâm: Nâng cấp sản phẩm (nâng cấp thiết kế bao bì, tiêu chuẩn hóa chất lượng, câu chuyện sản phẩm); nâng cấp chuỗi giá trị (nguồn nguyên liệu, liên kết chuỗi, áp dụng KHCN, phân phối, tiếp thị,...) đáp ứng nhu cầu chất lượng của thị trường trong nước, kiện toàn tổ chức đáp ứng các tiêu chí sản phẩm cấp quốc gia.
Dương Hà
[links()]
.
Liên kết website
Ý kiến ()