Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:08 (GMT +7)
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương
Chủ nhật, 28/11/2021 | 10:19:10 [GMT +7] A A
Nhiều năm trước, đời sống của những người phụ nữ vùng biên giới huyện Bình Liêu gặp không ít khó khăn. Nhưng giờ đây, cuộc sống của họ đã tốt hơn nhiều, bởi sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.
Từ năm 2018 - 2020, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội LHPN tỉnh triển khai hỗ trợ 2 xã biên giới Lục Hồn và Vô Ngại của huyện Bình Liêu, đã góp phần thay đổi hoàn toàn đời sống vật chất cũng như nếp sống của chị em.
Chương trình đã vận động xã hội hóa được 1,7 tỷ đồng và nhiều ngày công của các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng Quảng Ninh, từ đó hỗ trợ xây 17 nhà an toàn, sửa chữa 3 nhà ở cùng nhiều nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà tắm, công trình dân sinh. Cùng với đó, chương trình còn thực hiện mô hình sinh kế cho 52 hộ dân cùng tham gia, trong đó 37 hộ được hỗ trợ con giống gà, lợn nuôi thương phẩm. Phụ nữ và nhân dân ở các xã này còn được thụ hưởng chương trình chăm sóc sức khỏe, chương trình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, quà tặng...
Ở xã Lục Hồn, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã thực hiện ở thôn Ngàn Chuồng và Pắc Phe. Chị Đặng Thị Thu, thôn Ngàn Chuồng là 1 trong 3 hội viên phụ nữ nghèo đầu tiên được nhận hỗ trợ xây nhà an toàn từ Chương trình.
Chị Thu chia sẻ: “Từ khi gia đình tôi có nhà mới, chồng tôi yên tâm đi làm rừng, lúc nào công việc ở trong thôn, xã hết là anh ấy lại sang xã khác, huyện khác làm thuê mà yên tâm vợ con bình yên ở nhà. Trước đây, vào mùa mưa bão chúng tôi chỉ lo đổ nhà, mùa khô thì gió lạnh lùa vào khổ lắm. Từ khi có nhà mới, chồng tôi cũng thay đổi hẳn tính nết, nhiều khi anh ấy vẫn nói đùa “Nhờ mẹ nó là phụ nữ nên mới được ưu tiên hỗ trợ nhà đấy”.
Theo lãnh đạo Hội LHPN xã Lục Hồn, khi chương trình mới được đưa vào thôn Ngàn Chuồng, cả thôn khi ấy có 53 hộ thì chỉ có 3 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, trong khi 3 hộ đó lại cũng được nhận hỗ trợ từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (chương trình PforR). Chỉ hơn 1 năm khi Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" được thực hiện ở Ngàn Chuồng và Pắc Phe thì cả thôn đã có nhà tiêu hợp vệ sinh, không còn chuồng trâu, chuồng lợn sát nhà...
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được đưa vào Vô Ngại, khi ấy xã cũng rất nghèo. Xã có khu giãn dân Nà Sau được thành lập từ năm 2013 và có 20 hộ dân Dao Thanh Y di dời đến từ thôn Nà Nhái trên địa bàn. Bà con được cấp nhà mới và nay đã có điện lưới, đường bê tông từ trung tâm xã đến, có đập tràn, từ đó cũng tạo thuận lợi cho Nà Sau được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt.
Chị Lý Thị Thủy, khi mới đến Nà Sau cuộc sống còn khó khăn, từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã hỗ trợ chị Thủy 100 con gà giống để chăn nuôi. Chị Thủy đã tái tạo đàn gà mới hàng năm và có nguồn thu nhập từ bán gà. Chị Thủy bảo: Khi vợ chồng tôi mới chuyển đến đây, chúng tôi rất lo lắng không biết làm gì để sinh sống. Tôi sức khỏe yếu, rất hạn chế tham gia làm rừng với chồng. Nhưng nay tôi đã tạm ổn định từ công việc chăn nuôi, chồng tôi đã tôn trọng tôi hơn. Tôi cũng đỡ mặc cảm ăn bám chồng, vì bản thân mình cũng đã làm ra được đồng tiền.
Cuộc sống đang ấm dần ở các xã biên cương huyện Bình Liêu. Từ sự đóng góp của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã góp phần quan trọng đưa 2 xã Vô Ngại và Lục Hồn thoát khỏi diện 135 và về đích chương trình xây dựng nông thôn mới từ tháng 8/2020.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()