Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:15 (GMT +7)
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Thứ 6, 22/10/2021 | 14:03:39 [GMT +7] A A
Những năm qua, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã có bước tiến đáng kể cả về chất và lượng. Các vùng sản xuất, mô hình nông nghiệp trên địa bàn ngày càng cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ cao tạo đà bứt phá
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, Quảng Ninh đã dành 6-7% chi ngân sách thường xuyên mỗi năm, tương đương 600-800 tỷ đồng cho KHCN, trong đó có ngành Nông nghiệp. Cụ thể là tiếp tục triển khai cơ chế đầu tư liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với cơ chế hỗ trợ đến 70% lãi suất đầu tư sản xuất trong 5-8 năm; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ hạ tầng, mặt bằng, lãi suất, thủ tục hành chính... Đặc biệt trong đó là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 khu ứng dụng công nghệ cao về nông nghiệp và thủy sản tại TX Đông Triều và huyện Đầm Hà đã đưa vào hoạt động với hệ thống khu sản xuất đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra, còn hàng chục mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong doanh nghiệp, nông hộ, hàng trăm nông sản có giá trị lớn...
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong 10 năm trở lại đây, đã có gần 200 nhiệm vụ KH&CN liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được triển khai. Tiêu biểu như ứng dụng công nghệ để lựa chọn giống na Đài Loan, trà hoa vàng, mai vàng Yên Tử, gà Tiên Yên, dong riềng...; hoàn thiện và ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm thủy sản, như hàu, sứa, nước mắm...; công nghệ thụ tinh nhân tạo gà Tiên Yên, công nghệ invitro để sản xuất giống hoa lan cao cấp, công nghệ sản xuất giống sá sùng, ngán... Việc đầu tư của các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết "điểm nghẽn" về nhu cầu giống, phục vụ kế hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của các địa phương.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới, mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, tiêu biểu như: Công ty CP Thủy sản và Thương mại Hạ Long (TP Hạ Long) đầu tư hệ thống nuôi tôm tuần hoàn trong nhà (ISPS), quản lý, kiểm soát chất lượng nước tự động hóa theo công nghệ Nhật Bản cho năng suất thu hoạch đạt gần 200 tấn/ha/năm, tiết kiệm chi phí gần 30%; Công ty CP Phát triển Agritech (TP Hạ Long) sản xuất giống hoa lan cao cấp bằng công nghệ invitro và kiểm soát môi trường tự động của Đài Loan, công suất đạt trên 1 triệu cây giống/năm, tiết kiệm chi phí gần 15%...
Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với triển khai có hiệu quả Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) cũng là một trong những đòn bẩy quan trọng tạo chuyển biến tích cực cho ngành Nông nghiệp. Thông qua thực hiện đề án đã đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN mới; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù địa phương, phát triển vùng sản xuất nông sản tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đến nay, một số vùng trồng trọt trong tỉnh đã thực hiện quy trình VietGAP đảm bảo VSATTP như: Na, vải thiều (TX Đông Triều), vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí)... Chăn nuôi đã chuyển từ nhỏ lẻ, phân tán sang mô hình trang trại, gia trại công nghiệp và công nghệ cao, đa dạng hóa các sản phẩm; đối tượng vật nuôi chủ lực, thứ tự ưu tiên là lợn, gà, bò thịt, bò sữa. Tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, đặc biệt nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Thông qua việc đầu tư KHCN, giá trị các mặt hàng nông sản đã nâng lên rõ rệt. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản.
Với những giải pháp đồng bộ, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt trên 103.000 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 75.500 tấn tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020; tổng sản lượng thuỷ sản trên 108.000 tấn tăng 5,3% so với năm 2020; tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 4,02% (tăng 0,32 điểm % so với kịch bản tăng trưởng, tăng 0,92 điểm % so với cùng kỳ năm 2020).
Phát triển toàn diện, theo hướng hiện đại
Năm 2021 mục tiêu tăng trưởng được đặt ra cho ngành Nông nghiệp là tối thiểu 3,5%, phấn đấu ở mức 4,5%. Từ mục tiêu này, kịch bản phát triển nông nghiệp năm nay có nhiều điểm khác so với trước, trong đó cùng với tăng về sản lượng, số lượng thì mục tiêu cốt yếu, cao nhất là tăng về giá trị.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn, cùng với thuận lợi, hiện nay còn nhiều khó khăn tác động tới tăng trưởng của ngành, như tình hình mưa bão diễn ra hết sức khó lường; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; thị trường tiêu thụ tiếp tục chịu tác động từ dịch Covid-19... Từ thực tế này, Sở NN&PTNT đã tổ chức đánh giá lại và tìm ra những giải pháp phù hợp mới. Theo đó, ngành sẽ phối hợp với các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa diện tích lúa, rau màu có năng suất, chất lượng cao đạt trên 55% tổng diện tích; hoàn thiện kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và xây dựng thêm các chuỗi liên kết để không phải thực hiện giải cứu sản phẩm của ngành chăn nuôi; phát triển bền vững nghề nuôi biển theo quy hoạch, sử dụng vật liệu làm lồng bè thân thiện với môi trường; xây dựng phương án sản xuất, cung ứng nông sản...
Cùng với đó, ngành tiếp tục chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển toàn diện, theo hướng hiện đại. Trong đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; hình thành các vùng sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn; phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp... Ngành cũng tiếp tục tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Để mở hướng phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả, một trong những giải pháp cũng đang được ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường thực hiện là thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó, ngoài việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm còn gắn các vùng sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch, hình thành các điểm làm nông nghiệp trải nghiệm. Qua đó, tạo hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()