Tất cả chuyên mục

Thời gian qua, HĐND tỉnh đã thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như: Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án cải thiện môi trường…, vì thế môi trường của tỉnh được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá với tốc độ nhanh và sự phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay khiến cho tỉnh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Để kịp thời thay thế Nghị quyết số 33/2010/NQ-HĐND hết hiệu lực, tại kỳ họp lần thứ 22, HĐND tỉnh sẽ bàn thảo để thông qua Nghị quyết “Về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020”. Dự thảo Nghị quyết này đã đề ra chỉ tiêu rất cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020 như: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo 100%; 100% huyện, thị xã, thành phố có khu xử lý chất thải rắn đảm bảo hợp vệ sinh và chất thải y tế được thu gom xử lý đạt 100%/năm; dân cư thành thị được sử dụng nước sạch trên 98%, dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%…
![]() |
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát thực hiện pháp luật về quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất than tại Công ty TNHH MTV 397 (Tổng Công ty Đông Bắc). |
Đồng chí Nguyễn Hải Khiên, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả cho biết: Là địa bàn khai thác, vận chuyển than lớn nhất tỉnh, thời gian qua, TP Cẩm Phả đã quyết liệt trong chỉ đạo và các đơn vị ngành than đã rất tích cực thực hiện công tác hoàn nguyên, bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết 33/2010/NQ-HĐND. Tuy nhiên, cùng với những kết quả tích cực của ngành than mang lại, Cẩm Phả cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường từ khai thác than. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020 là rất cần thiết. Bởi, Nghị quyết sẽ tăng cường, khuyến khích, hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp và người dân tham gia công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở để các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ hơn nữa các giải pháp giảm thiểu suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ chiến lược xanh ở nước ta…
Qua trao đổi với một số lãnh đạo địa phương và đại diện doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy cơ bản họ rất đồng thuận với chủ trương trong việc ban hành Nghị quyết này của tỉnh và mong Nghị quyết sớm ban hành để làm cơ sở triển khai. Theo đánh giá của dư luận, những nội dung được đưa ra trong Nghị quyết khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần “nâng tầm” công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, dự thảo Nghị quyết đã nêu rõ những giải pháp nhằm tăng cường phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Trong đó, trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa phát triển các nhóm ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao; xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn môi trường địa phương để thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến sau năm 2020. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của việc đánh giá tác động môi trường gắn với thẩm định công nghệ cao theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ… Cùng với đó là tăng cường việc nghiên cứu, đánh giá tổng thể môi trường ngành than để đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm do sạt lở, rửa trôi, bồi lắng từ khu vực đầu nguồn các sông, suối và đầu tư, cải tạo cảnh quan môi trường các khu dân cư chịu ảnh hưởng của khai thác than; đồng thời di chuyển Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng ra khỏi trung tâm TP Hạ Long trước tháng 1-2019 cũng như khẩn trương di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư… Việc khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng phải chú trọng triển khai. Đặc biệt là việc điều tra, kiểm kê và đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh, nhất là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, rừng và biển. Song song với đó là đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; bảo vệ rừng và phát triển rừng cũng như bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đồng thời tăng cường thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…
Cùng với đó, dự thảo Nghị quyết cũng đề ra các giải pháp với tính khả thi cao nhằm hiện thực hoá các chỉ tiêu, tiêu chí đã đề ra. Trong đó, các giải pháp được đặc biệt chú trọng đó là việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường tỉnh và cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng nữa đó là tăng cường đầu tư và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn chi thường xuyên từ ngân sách cho sự nghiệp môi trường đảm bảo mức chi hàng năm không dưới 3% tổng chi ngân sách.
Nguyễn Huế
Kiến nghị của cử tri * Ông Đào Văn Hiền, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà: “Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người dân” Hiện các thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cải cách góp phần tạo thuận lợi cho mọi tổ chức, công dân. Tuy nhiên, trong thực tế ở từng lĩnh vực cụ thể, vẫn thấy còn nhiều vướng mắc và phiền hà. Đơn cử như việc tại địa phương chúng tôi có tình trạng ký hợp đồng lao động do xã quản lý nhưng xã lại không được đóng bảo hiểm xã hội cho hợp đồng lao động. Hay việc mua thẻ bảo hiểm y tế, người dân đã tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế thì khi người tham gia bảo hiểm y tế có nhu cầu khám chữa bệnh ở đâu nếu họ muốn nên tạo điều kiện để họ được khám chữa bệnh ở đó, tại sao mỗi khi muốn đi khám bệnh ở nơi khác lại đòi hỏi phải có đủ loại giấy tờ mới được khám, chữa bệnh. Kể cả khi thanh toán cũng vậy thường gặp rất nhiều phiền hà phức tạp… Vì thế, chúng tôi rất mong HĐND tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo cấp thẩm quyền, cơ quan chức năng giảm bớt những thủ tục để tránh phiền hà cho người dân. * Ông Mai Hữu Nghị, thôn An Trại, xã Việt Dân, TX Đông Triều: “Đẩy mạnh giám sát thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới” Qua nhiều kênh thông tin, tôi thấy có một số địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí còn xảy ra những sai phạm. Vậy để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ HĐND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh việc giám sát thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Thông qua giám sát nếu phát hiện các đơn vị, cá nhân nào làm sai phải có hình thức xử lý nghiêm, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Đồng thời đó cũng chính là bài học kinh nghiệm để các đơn vị, địa phương khác thực hiện việc này nghiêm túc. * Ông Ngô Trung Thành, phường Hà An, TX Quảng Yên: “Tăng cường tiếp xúc cử tri, đối thoại với dân” Nhiều năm gần đây qua theo dõi và cũng nhiều lần trực tiếp được tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri do tỉnh, địa phương tổ chức, tôi thấy những cuộc tiếp xúc như vậy rất bổ ích. Đại biểu được nghe những gì dân nói, dân được nói những tâm tư, vướng mắc với đại biểu... qua đó để đại biểu Quốc hội, HĐND tập hợp ý kiến của cử tri để gửi đến những cơ quan thẩm quyền, chức năng nghiên cứu giải quyết. Phát huy những kết quả đạt được rất mong HĐND tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, không chỉ trước và sau các kỳ họp Quốc hội, HĐND tỉnh mà có thể tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề hoặc khi thấy địa phương nào nổi lên những vấn đề bức xúc cần tổ chức tiếp xúc, đối thoại với dân để nghe người dân phản ánh nhằm có giải pháp kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đặc biệt các đại biểu Quốc hội, HĐND cần theo dõi việc xử lý những kiến nghị của cử tri để đôn đốc, đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết, thực hiện; tránh tình trạng tiếp xúc, tiếp thu xong rồi để đấy. Tuấn Hương (thực hiện) |
Ý kiến ()