Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:50 (GMT +7)
Sử dụng mạng xã hội an toàn, hữu ích
Thứ 4, 18/01/2023 | 13:36:02 [GMT +7] A A
Mạng xã hội đang có vai trò quan trọng, tác động không nhỏ đến cuộc sống mỗi người, nhất là giới trẻ. Bên cạnh những tiện ích mang lại, mạng xã hội cũng gây không ít hệ lụy, tác động xấu đến giới trẻ, nhất là với học sinh, sinh viên.
Mặt trái của mạng xã hội
Theo điều tra sơ bộ của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc), cứ 3 người dùng Internet thì có 1 người dưới 18 tuổi và 71% số người trong độ tuổi từ 15-24 thường xuyên trực tuyến. Điều này cho thấy, giới trẻ được kết nối nhiều nhất trên toàn thế giới. Còn tại Việt Nam, kết quả khảo sát của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) có tới 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet, trong số này 87% là sử dụng Internet hằng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em sử dụng mạng xã hội 5-7 tiếng/ngày.
Tại các trường học, khu vực công cộng, vui chơi, giải trí, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh, sinh viên cầm điện thoại lướt mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi. Nhiều bạn trẻ cho rằng, nếu không cập nhật tin tức trên các trang mạng xã hội, họ sẽ bỏ lỡ những tin “nóng hổi”, những “hot trend” (xu hướng nổi tiếng, được nhiều người quan tâm). Vì vậy, quỹ thời gian dành cho thế giới ảo cũng dần tăng theo cấp số nhân.
Đặc biệt, 3 năm trở lại đây đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ tiếp cận số hóa chưa từng có, ngay cả ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, khiến cho thời gian vào mạng xã hội của giới trẻ ngày một tăng lên. Tuy nhiên, đánh giá của các chuyên gia cho thấy, khi việc sử dụng mạng xã hội chiếm quá nhiều thời gian và không đúng cách đã gây bất lợi rất lớn. Không ít người trẻ do lạm dụng mạng xã hội, xa rời những vấn đề thực tế nên đã bị rối loạn tâm thần, ảnh hưởng sức khỏe và việc học tập. Theo ước tính, hơn 13% trẻ từ 10-19 tuổi phải chung sống với rối loạn tâm thần được chẩn đoán theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó có 86 triệu em thuộc nhóm 15-19 tuổi và 80 triệu em thuộc nhóm 10-14 tuổi.
Anh Chu Thế Nam, Bí thư Đoàn thanh niên Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long) cho biết: Tỷ lệ học sinh có điện thoại thông minh và sử dụng mạng xã hội tại trường học rất cao. Do có đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn, cập nhật tin tức liên tục, có sự cổ vũ của đám đông và là môi trường dễ được thể hiện bản thân theo những cách riêng, nên các trang mạng xã hội rất dễ làm cho học sinh, sinh viên xao nhãng việc học hành. Đáng báo động hơn cả là từ chỗ bị lôi cuốn, thu hút đã dẫn đến lệ thuộc, rồi nghiện, trong khi đây lại là những người có quá ít kỹ năng, kinh nghiệm để ứng phó với mạng xã hội. Việc các em tiếp cận với mạng xã hội thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học, mà còn ẩn chứa những mối nguy hại nếu đăng tải, bình luận, hoặc chia sẻ những thông tin sai sự thật.
Có thể thấy, ngoài những tác hại về tâm sinh lý, việc đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến đời sống xã hội. Chúng ta hẳn còn nhớ, trong những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không ít học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đã đưa tin giả về tình hình dịch Covid-19, khiến không ít người dân hoang mang lo lắng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của tỉnh.
Mới đây nhất, đầu tháng 1/2023, P.N.P, (SN 1999, trú tại phường Hải Yên, TP Móng Cái), chủ tài khoản Youtube có tên N.P. Vlogs, địa chỉ tại TP Móng Cái đã bị lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) phát hiện có hành vi đăng tải nhiều video clip nội dung hướng dẫn cách thức chế tạo các loại pháo, thuốc pháo… Khi được mời đến trụ sở công an làm việc, P.N.P đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình, với mục đích giải trí, câu view trên mạng xã hội.
Căn cứ các tài liệu xác minh thu thập được, ngày 12/1/2023, cơ quan công an đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với P.N.P về hành vi lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ cấm quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP (ngày 3/2/2020) của Chính phủ, mức phạt 7,5 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu P.N.P gỡ bỏ toàn bộ bài viết có nội dung hướng dẫn, cách thức chế tạo và sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc pháo trên không gian mạng.
Hình thành kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn
Giai đoạn bùng nổ về công nghệ thông tin, mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đang có quá nhiều thông tin giả, thông tin bịa đặt, xấu độc, trong đó có cả thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền. Tuy nhiên, trước một xã hội số ngày càng phát triển như hiện nay, việc cấm học sinh, sinh viên dùng mạng xã hội là điều khó thực hiện.
Trước thực trạng này, tháng 5/2022, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành và Tổ tham mưu triển khai thí điểm mô hình "Sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh, sinh viên tỉnh Quảng Ninh" (gọi tắt là mô hình). Mô hình thí điểm được thành lập tại 4 trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hạ Long: Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, Trường THPT Hòn Gai, Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trung tâm GDNN&GDTX TP Hạ Long. Thời gian thực hiện thí điểm mô hình từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2023.
Mặc dù triển khai trong thời gian ngắn, nhưng các trường học, cơ sở giáo dục đã có nhiều hoạt động sáng tạo, phù hợp với học sinh, sinh viên, để giáo dục, tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh.
Ghi nhận tại Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay khi thành lập mô hình, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội an toàn tới toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh; tổ chức ký cam kết đến từng chi đoàn, chi đội, phát tài liệu có nội dung tuyên truyền, xây dựng các phóng sự, tin, bài về sử dụng mạng xã hội an toàn đăng tải trên các website, fanpage facebook và zalo của nhà trường.
Trường cũng thành lập CLB Lý luận trẻ, gồm các học sinh, giáo viên yêu thích lý luận chính trị và mời tham gia làm cộng tác viên cho mô hình mạng xã hội an toàn; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi tìm hiểu về sử dụng mạng xã hội an toàn; biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền về vấn đề an ninh mạng; triển khai tới 100% học sinh các chi đoàn, chi đội, giới thiệu các tấm gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền trên fanpage của nhà trường; dán pano, áp phích, tờ rơi liên quan đến sử dụng mạng xã hội an toàn; tổ chức các cuộc thi online trên mạng xã hội, như: Học và làm theo Bác; Biên cương Tổ quốc tôi; tìm hiểu pháp luật về ATGT; tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”… Bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các luận điệu sai trái, khích lệ tinh thần ham hiểu biết, học hỏi và tư duy sáng tạo của học sinh, các cuộc thi thu hút từ 70-90% học sinh tham gia.
Hà Trần Diễm Như (học sinh lớp 9A1, Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ: Khi được tham gia các buổi học ngoại khóa, các cuộc thi trực tuyến, chúng em đã thấy được sự hấp dẫn, bổ ích, ý nghĩa từ những hoạt động này mang lại, từ đó chúng em có thêm kỹ năng để nhận biết thông tin nào là đúng, thông tin gì là xấu độc và thông tin gì cần phải tránh xa.
Còn tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh cũng có nhiều cách làm sáng tạo để phù hợp với sinh viên của trường như: Giới thiệu các tấm gương người tốt, việc tốt tuyên truyền trên fanpage của mô hình để tạo sự lan tỏa về những điều đẹp đẽ, ấm áp trong cuộc sống; thành lập mới trang zalo “Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh” từ đầu tháng 7/2022 và tiến hành kiện toàn ban quản trị quản lý các trang mạng xã hội. Mỗi ngày, trên các trang mạng của trường đều đăng tải ít nhất 1 bài viết về hoạt động của nhà trường cùng những thông tin hữu ích dành cho học sinh, sinh viên nói chung.
Trần Mạnh Hùng (sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh) cho biết: Thông qua các phóng sự, tin bài của trường, sinh viên trong trường ngày càng hiểu rõ hơn về Luật An ninh mạng, cách sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh, cũng như nâng cao nhận thức trong phát hiện, đấu tranh, xử lý thông tin xấu độc, tiêu cực, phản động trên mạng xã hội.
Chung tay nâng cao kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho học sinh, sinh viên, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cũng triển khai nhiều cách làm phù hợp nhằm giúp thanh thiếu niên hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp. Trong đó, các đơn vị đặc biệt chú trọng tổ chức những hoạt động nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên các kỹ năng sống, thực hành xã hội và rèn luyện thể chất, kỹ năng về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho thanh, thiếu niên phát triển toàn diện.
Điển hình: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hoàn thiện, xuất bản phát hành 1.300 cuốn “Tài liệu giáo dục lý luận chính trị dành cho thanh niên Quảng Ninh”; Sở TT&TT phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất các sản phẩm tuyên truyền cho thanh, thiếu niên; Trung tâm Truyền thông tỉnh sản xuất các chương trình về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, nhận biết rủi ro trên không gian mạng, tuổi teen và nỗi lo tiktok…; Đoàn nghệ thuật tỉnh xây dựng vở kịch ngắn có tên “Cõi mạng” để biểu diễn tại 4 cơ sở giáo dục tham gia thí điểm…
Thượng tá Mai Thế Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo mô hình thí điểm sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh, sinh viên của tỉnh, khẳng định: Các cơ sở giáo dục và đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có sự vào cuộc rất tích cực, đưa ra những cách làm thực tế và hữu ích khi đã phát huy được vai trò của các đoàn thể, chính quyền trong việc tạo cho thanh, thiếu niên những sân chơi bổ ích. Khi các em có sân chơi thoải mái, có các hoạt động hấp dẫn gắn với hoạt động thể chất, tinh thần, các em sẽ tự ý thức và cân nhắc việc sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý, hữu ích. Sau khi kết thúc thí điểm mô hình vào tháng 5/2023, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo UBND tỉnh để triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh. Mục tiêu cao nhất góp phần giúp học sinh, sinh viên toàn tỉnh trau dồi, tích lũy thêm kiến thức, cũng như rèn luyện kỹ năng sống cần thiết để học tập và làm việc trong thời đại 4.0.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()