Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:36 (GMT +7)
Nâng mức chuẩn nghèo, xóa nhà dột nát
Thứ 7, 22/04/2023 | 15:46:36 [GMT +7] A A
Nhiều năm qua, song hành với quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn đặt mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân lên hàng đầu. Từng quyết sách, hành động, việc làm của tỉnh đều hướng đến những tiêu chí cơ bản là người dân được sống ổn định, an toàn, ấm no, hạnh phúc, quyết tâm chăm lo tốt cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Như năm 2023 này, Quảng Ninh lựa chọn chủ đề công tác năm là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Điều này tiếp tục khẳng định sự quan tâm, chăm lo cho người dân một cách toàn diện, bao trùm, bền vững của tỉnh. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 13 vừa qua, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 – 2025.
Theo quy định chuẩn nghèo đa chiều mới thì ở khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.600.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên; ở khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.100.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên. Nghị quyết quy định chuẩn hộ cận nghèo cụ thể: Ở khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.600.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội; ở khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.100.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội. Như vậy, Quảng Ninh nâng tiêu chí thu nhập của hộ nghèo của tỉnh cao hơn trung ương khoảng 1,4 lần. Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 – 2025 được ban hành là cột mốc mới của tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, chú trọng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Không chỉ nâng mức chuẩn nghèo đa chiều, Quảng Ninh còn quyết tâm phấn đấu đến dịp Quốc khánh 2/9 tỉnh hoàn thành xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn. Việc hỗ trợ thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát nhằm góp phần thực hiện đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, qua đó thực hiện chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, qua rà soát của các địa phương, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 362 nhà thuộc diện tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát. Tiêu chí xác định “nhà tạm, dột nát” là loại nhà xây dựng bằng vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo “3 cứng” là nền cứng, khung cứng, mái cứng, thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Chủ hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 và các hộ khó khăn khác về nhà ở, chủ yếu là hộ người khuyết tật, neo đơn.
Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh xác định việc xóa nhà tạm, nhà ở dột nát là chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội lớn. Vì vậy Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương tập trung huy động sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của đơn vị, doanh nghiệp, hệ thống chính trị toàn tỉnh tham gia hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Mục tiêu là phấn đấu vào dịp Quốc khánh 2/9, Quảng Ninh sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy trong quá trình phát triển qua các thời kỳ, Quảng Ninh luôn đặt mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân, người dân được thụ hưởng những thành quả mà tỉnh đạt được. Và việc nâng mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023 – 2025, quyết tâm phấn đấu xóa nhà tạm, nhà ở dột nát là những quyết sách hợp lòng dân, vì hạnh phúc nhân dân.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()