Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:39 (GMT +7)
Nâng hạng các chỉ số thành phần PAR Index
Thứ 5, 08/07/2021 | 09:04:13 [GMT +7] A A
Năm 2020 là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), với tổng số điểm là 91,04/100 điểm, tăng 0,95 điểm so với năm 2019. Đây là kết quả của sự nỗ lực, sáng tạo trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy minh bạch, phục vụ người dân, doanh nghiệp của cả hệ thống chính trị tỉnh. Tuy nhiên, qua phân tích chỉ số này, Quảng Ninh vẫn còn nhiều dư địa, không gian để đạt mục tiêu cao hơn trong năm 2021.
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số PAR Index được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá; 43 tiêu chí và 102 tiêu chí thành phần. Qua phân tích Chỉ số PAR Index năm 2020, Quảng Ninh có 3 lĩnh vực tăng thứ hạng so với năm 2019 là: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (CCHC) đạt điểm tuyệt đối 8,5/8,5 điểm (tăng 25 bậc); cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt 13,496/13,5 điểm (tăng 5 bậc); cải cách tài chính công đạt 10,915/12 điểm (tăng 22 bậc) và 1 lĩnh vực duy trì thứ hạng là tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đạt 14,56/16 điểm.
Thành quả này có được là sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC, đặc biệt là tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch CCHC từ công tác tuyên truyền, quán triệt đến tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả phương châm kết hợp “làm từ trên xuống”, “làm từ dưới lên”, “làm đồng thời”, “làm đúng, làm nhanh và làm tốt”; cắt giảm thời gian giải quyết TTHC từ 40-60% so với quy định của pháp luật. Tỉnh công bố, công khai TTHC bằng nhiều hình thức để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu thông tin. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; kịp thời xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân đối với cá nhân, tổ chức và công khai trên Cổng dịch vụ công. Các hồ sơ TTHC được giải quyết nhanh chóng theo quy trình "5 tại chỗ" tại các trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, với tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn đều đạt trên 99%.
Đặc biệt năm 2020, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, kịp thời có các cơ chế, biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả hỗ trợ ổn định đời sống kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. HĐND tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết (số 245, 256, 266, 286) nhằm đảm bảo an sinh xã hội, kích cầu du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể vượt qua thách thức, nhanh chóng tái cơ cấu thị trường; thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thu hút du khách...
Bên cạnh những kết quả tích cực, Quảng Ninh vẫn có một số chỉ số thành phần chưa đạt thứ hạng như kỳ vọng, là: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh, đạt 8,81/10 điểm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đạt 10,41/11,5 điểm; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC đạt 11,11/13,5 điểm; hiện đại hóa nền hành chính đạt 13,25/15 điểm.
Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến việc các chỉ số thành phần trên (qua kiểm tra) chưa đạt điểm số cao là còn có những văn bản chưa đúng thẩm quyền, mặc dù đã được xử lý và kiến nghị xử lý, nhưng chưa được kịp thời; việc tích hợp, cung cấp số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia còn chậm; công tác tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích hiệu quả chưa cao.
Trong điều tra xã hội học cũng chỉ ra, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của CB,CC,VC, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, cấp giấy phép kinh doanh... chưa nghiêm; tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ cấp xã tại một số xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo còn thấp; trách nhiệm phối hợp, xử lý công việc chưa cao, chưa thu hút người có tài vào bộ máy hành chính.
Thẳng thắn nhìn nhận vào những tồn tại, hạn chế, tỉnh Quảng Ninh kịp thời đưa ra nhiều giải pháp với quyết tâm nâng cao điểm số, thứ hạng các chỉ số thành phần trong năm 2021 và các năm tiếp theo cũng như hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra là hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI.
Ngay từ đầu năm, BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Quan điểm xuyên suốt trong Nghị quyết là xây dựng một chính quyền liêm chính, phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách công vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới, đặc biệt là kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của CB,CC,VC để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những CB,CC nhũng nhiễu, có hành vi tiêu cực, thái độ không đúng mực trong thực thi công vụ. Tiếp tục rà soát TTHC, đơn giản hóa tối đa quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết TTHC, đẩy mạnh phát triển cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đưa phong trào “CB,CC,VC thi đua thực hiện văn hóa công sở” trở thành nhiệm vụ thường xuyên, nhằm góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Các cấp, ngành chủ động tiếp thu và phản hồi ý kiến của công dân; xây dựng và thực hiện quy trình ban hành và thực thi chính sách có sự tham gia đầy đủ, mở rộng của mọi tầng lớp nhân dân, tạo ra một chính quyền mở; khuyến khích, tạo cơ hội để người dân tham gia tự nguyện vào các dự án, công trình công cộng.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()