Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:09 (GMT +7)
Nâng giá trị sản xuất tại các làng nghề
Thứ 2, 23/08/2021 | 07:33:12 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện có gần 30 nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống. Thời gian qua, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất được các làng nghề chú trọng, nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần giữ gìn, phát triển nghề và các làng nghề.
Nghề sản xuất gốm sứ tại TX Đông Triều đã có lịch sử gần 200 năm. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 11 doanh nghiệp và 54 cơ sở sản xuất gốm sứ, tập trung chủ yếu tại các xã, phường: Yên Thọ, Xuân Sơn, Bình Dương, Đức Chính. Những năm gần đây, nghề gốm sứ Đông Triều đã được tăng cường đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, cũng như thân thiện môi trường.
Tiêu biểu như nung gốm bằng khí gas công nghệ, tráng men, tạo hình công nghệ in 3D, hệ thống chế biến nguyên liệu hiện đại… Qua đó, đưa ra thị trường những sản phẩm gốm sứ chất lượng, tính mỹ thuật độc đáo, được người tiêu dùng ưa chuộng và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Hằng năm, lượng gốm sứ sản xuất tại Đông Triều đạt xấp xỉ 80.000 sản phẩm.
Hay như tại làng trồng, chế biến chè Quảng Long (huyện Hải Hà), từ năm 1965 cây chè được đưa vào trồng thử nghiệm tại đây, bởi sự phù hợp với khí hậu và điều kiện đất đai. Hiện Quảng Long là xã có diện tích trồng chè lớn nhất của Hải Hà với hơn 400ha, chiếm hơn 40% diện tích toàn huyện.
Để giữ gìn và phát triển thương hiệu chè Hải Hà, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, người trồng và chế biến chè không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh khâu trồng đảm bảo quy trình VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè đặc biệt chú trọng áp dụng công nghệ sao, sấy hiện đại, nhằm đạt năng suất, chất lượng cao cho sản phẩm.
Có thể kể đến như Cơ sở chế biến chè Dũng Nga đã xây dựng 1 xưởng chế biến chè rộng 1.500m2 với 2 dây chuyền hoạt động theo công nghệ tiên tiến của Việt Nam và Đài Loan. Nhờ đó, nâng công suất chế biến lên 8-12 tấn chè tươi mỗi ngày, đưa ra thị trường hơn 1 tấn chè thành phẩm.
Hay như Công ty TNHH Thuấn Quỳnh đã đầu tư các trang thiết bị, dây chuyền sản xuất chế biến chè theo nhiều chủng loại như trà nhúng, đóng túi, đóng hộp, hút chân không… mẫu mã đa dạng, tiện lợi, nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm chè của đơn vị cũng đang là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Hải Hà, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện mỗi năm Công ty Thuấn Quỳnh sản xuất 1.500 tấn chè thành phẩm, xuất khẩu khoảng 1.000 tấn chè khô sang thị trường Đài Loan và các nước Tây Âu.
Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững, thời gian qua, ngành KH&CN phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề đổi mới, áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống và hỗ trợ cho một số làng nghề đăng ký nhãn hiệu tập thể; cập nhật thông tin về rào cản thương mại và hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng, hợp lý hóa lao động sản xuất… Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn cho các đơn vị không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo; đẩy mạnh việc đăng ký thương hiệu để giữ bản quyền đối với một số sản phẩm tiêu biểu của cơ sở, làng nghề.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()