Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:48 (GMT +7)
Nâng giá trị nông sản địa phương
Thứ 2, 12/07/2021 | 10:06:21 [GMT +7] A A
Việc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp riêng có của Quảng Ninh có vai trò hết sức quan trọng. Đây không chỉ là cơ sở, tiền đề để gìn giữ, bảo tồn sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao mà còn tạo nhiều việc làm cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay.
Là huyện biên giới vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh, tuy nhiên thời gian qua, Bình Liêu được biết đến là địa phương khá nhanh nhạy trong việc đầu tư xây dựng các thương hiệu nông sản riêng có của địa phương, từ đó, nhiều sản phẩm đặc trưng đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo đó, để hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn, từ rất sớm huyện đã nhanh chóng khởi động chương trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Trong đó, chú trọng thành lập Ban điều hành, vận động nhân dân tham gia chương trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và chất lượng của địa phương. Đồng thời, chủ động vận dụng, áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất, như: Ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ phát triển sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đầu tư xây dựng trung tâm và điểm bán hàng OCOP; xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của huyện... Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được trên 30 sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực nằm trong chương trình OCOP. Trong đó, có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, như: miến dong, mật ong, rượu men lá, tinh dầu bưởi...
Không chỉ riêng Bình Liêu, khoảng chục năm trở lại đây, việc xây dựng thương hiệu được tỉnh quan tâm đầu tư mạnh mẽ với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân với số kinh phí đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng một chương trình riêng về phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị các nông sản. Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây là sự chuẩn bị tốt cho các sản phẩm đặc thù, nhất là nông sản của tỉnh để hội nhập kinh tế quốc tế, tạo cơ sở để các sản phẩm nông nghiệp tự tin cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu.
Thông qua hoạt động của các dự án xây dựng thương hiệu, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân đã dần nhận thức được mục đích, ý nghĩa, cũng như vai trò của việc xây dựng thương hiệu nông sản đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt đối với chương trình OCOP, từ chỗ chỉ có 48 sản phẩm năm 2013, đến nay toàn tỉnh đã phát triển được khoảng 500 sản phẩm, trong đó có 236 sản phẩm đạt từ 3-5 sao theo quy chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh. Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được dán tem truy xuất nguồn gốc; nhiều sản phẩm ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, cải thiện đáng kể về mẫu mã, bao bì, được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng lựa chọn. Nhiều sản phẩm đã được các địa phương phát triển dựa trên lợi thế sẵn có, từ đó phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long... Doanh số bán hàng OCOP hàng năm đạt từ 500-700 tỷ đồng. Chương trình đã được Trung ương ghi nhận và nhân rộng trên cả nước, đồng thời góp phần tích cực vào mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tại Quảng Ninh từ 10,5 triệu đồng/người vào năm 2010 lên 47 triệu đồng/người vào năm 2020, tạo công ăn việc làm cho hơn 4.500 lao động trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp. Đặc biệt, công tác quản lý chất lượng sản phẩm rất được chú trọng thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, đã đưa 65 sản phẩm không đạt yêu cầu ra khỏi chu trình. Hoạt động xúc tiến thương mại đạt hiệu quả, hội chợ OCOP tổ chức thường niên có doanh thu hàng tỷ đồng/ngày, kết nối vào các chuỗi bán lẻ, thương mại điện tử, mở rộng xúc tiến tại các thị trường trọng điểm trong nước và một số thị trường quốc tế.
Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh xác định đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, gắn với chương trình Nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy người dân là chủ thể thực hiện chính. Tỉnh sẽ phát triển mới 300 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 250 sản phẩm đạt từ 3-5 sao với ít nhất 50 tổ chức kinh tế tham gia. Để thực hiện mục tiêu này, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các thương hiệu nông sản đặc trưng của tỉnh gắn với chương trình OCOP. Bên cạnh đó sẽ tổ chức các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể; đưa các doanh nghiệp vào liên kết với hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu…
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()