Tất cả chuyên mục

Sau 5 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh NTM theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIII nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Có được kết quả này phải kể đến quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cách làm riêng của Quảng Ninh so với các địa phương trong cả nước. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đặng Huy Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh.
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu kiểm tra Dự án trồng hoa lan cao cấp tại xã Sơn Dương (Hoành Bồ). Ảnh: Hữu Việt |
- Thưa đồng chí, là tỉnh có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, vậy tại sao BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIII lại xây dựng Nghị quyết 01 là nghị quyết về xây dựng NTM mà không phải là công nghiệp hay dịch vụ?
+ Mặc dù là tỉnh có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, song nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nên BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIII đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/TU ngày 27-10-2010 về xây dựng NTM Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020. Đây cũng là nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong một nhiệm kỳ mới thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cấp uỷ, chính quyền đối với khu vực nông thôn, nông nghiệp và nông dân Quảng Ninh. Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư nhiều đến nông nghiệp, nhưng vẫn chưa có cách làm quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân cũng như cơ cấu sản xuất. Sản xuất nông nghiệp vì thế vẫn nhỏ lẻ, mang tính tự cung, tự cấp, trong khi đó, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đòi hỏi một nền sản xuất lớn hơn, linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, Quảng Ninh lại có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi đến lâm nghiệp, thuỷ sản. Cộng với điều kiện Quảng Ninh có thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn, trước hết là cho thị trường công nghiệp, du lịch với hàng vạn công nhân và khoảng 7 triệu khách du lịch mỗi năm và thị trường Trung Quốc rộng lớn ở bên cạnh. Tuy nhiên, một thực tế trong những năm qua là hàng năm Quảng Ninh vẫn phải nhập một lượng lớn nông sản từ các tỉnh ngoài vào. Đó là hạn chế rất lớn trong phát triển nông nghiệp của Quảng Ninh. Từ thực tế này, Quảng Ninh xác định phải đầu tư thoả đáng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và được cụ thể hoá bằng Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIII về xây dựng NTM. Mục tiêu của Nghị quyết nhằm làm thay đổi căn bản nền nông nghiệp, bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân; xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; phấn đấu hết năm 2015, cơ bản Quảng Ninh trở thành một tỉnh có nền nông nghiệp cao, phát triển bền vững, song hành với việc Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII xác định đến hết năm 2015, Quảng Ninh sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp - dịch vụ. Đó là quyết tâm của Quảng Ninh, cũng như lý giải cho việc tại sao Nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIII lại là Nghị quyết về xây dựng NTM.
- Theo đồng chí, đâu là mấu chốt quyết định sự thành công trong xây dựng NTM tại tỉnh ta trong thời gian qua?
+ Trước tiên phải xác định ý chí chính trị của Quảng Ninh trong xây dựng NTM là rất cao. Xây dựng NTM là quyết tâm của BCH, BTV và của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM và quyết tâm này được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Đó là, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo được xây dựng một cách rất bài bản từ bộ máy chỉ đạo, điều hành đến chính sách, cơ chế vận hành chính sách. Đầu tư nguồn lực của nhà nước, nguồn lực của xã hội. Và điều có tính chất quyết định là sự vào cuộc của người dân một cách thực sự, tích cực - người dân đã thực sự là chủ thể của chương trình. Quảng Ninh đã chủ động ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách riêng của tỉnh tạo hành lang pháp lý phục vụ cho chương trình đạt hiệu quả cao; ưu tiên nguồn lực tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế của tỉnh, quy hoạch và triển khai quy hoạch vùng sản xuất tập trung; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, từ chỗ người dân chưa hiểu, coi đây là một chương trình đầu tư của nhà nước đến việc người dân hiểu đây là chương trình hỗ trợ của nhà nước, người dân vào cuộc và người dân được hưởng thành quả.
- Như đồng chí đã nói, sau 5 năm triển khai, chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả tích cực. Xin đồng chí cho biết những “cái được” của chương trình xây dựng NTM là gì và theo đồng chí thì đâu là “cái được” tâm đắc nhất?
Trong những kết quả đạt được thì “cái được” lớn nhất là sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ và người dân, nhất là của người dân về xây dựng NTM. Người nông dân phải vươn lên thoát nghèo bằng chính bàn tay, khối óc của mình trên cơ sở lợi thế của từng địa phương và sự hỗ trợ của nhà nước... |
+ Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020 xác định 5 nhóm mục tiêu (bao gồm 20 mục tiêu cụ thể) đến năm 2015. Đến nay, đã có 8/20 mục tiêu hoàn thành; 5/20 mục tiêu đạt trên 75%; còn 7 mục tiêu đang tiếp tục triển khai và phấn đấu hoàn thành trong năm 2015. Toàn tỉnh đã có 79/82 xã cơ bản đạt tiêu chí xã NTM, đạt 96,34% kế hoạch; có 6/10 huyện cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM, đạt 46,15% kế hoạch. Trong những kết quả đó thì “cái được” lớn nhất là sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ và người dân, nhất là của người dân về xây dựng NTM. Từ đây, chuyển hướng tích cực trong nhận thức của người nông dân về một giai đoạn mới: Người nông dân phải vươn lên thoát nghèo bằng chính bàn tay, khối óc của mình trên cơ sở lợi thế của từng địa phương và sự hỗ trợ của nhà nước. Vùng nông thôn như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới, nhất là cảm hứng mới, sự vào cuộc tích cực của người nông dân với chương trình xây dựng NTM.
- Để đạt mục tiêu trở thành tỉnh NTM trong năm 2015, những giải pháp quan trọng nào được tỉnh đề ra trong giai đoạn về đích thưa đồng chí?
+ Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM vào cuối năm nay, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là các giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa hiểu đầy đủ hơn về nội dung, phương pháp, cách làm NTM để nâng cao tính tự giác, chủ động của người dân trong xây dựng NTM. Đặc biệt, hiện nay một số xã còn một số tiêu chí chưa đạt, nên nhiệm vụ trọng tâm là cấp uỷ, chính quyền địa phương cần dồn sức để thực hiện, hoàn thành các tiêu chí, trong đó đặc biệt quan tâm đến tiêu chí về phát triển sản xuất. Vì đây là tiêu chí khó, nên cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn; phát triển sản xuất theo vùng, theo hướng ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến đến tiêu thụ sản phẩm phù hợp với kinh tế thị trường; triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”…
- Năm nay, 2015, Quảng Ninh sẽ về đích NTM, trước 5 năm so với cả nước. Vậy giai đoạn 2016-2020, hướng đi của tỉnh sẽ như thế nào, thưa đồng chí?
+ Phải xác định, trong giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh tiếp tục nâng chất lượng các xã, huyện NTM trên địa bàn tỉnh với mục tiêu “4 tốt hơn”: Đời sống, thu nhập của người nông dân ngày càng cao hơn; cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại hơn... Mục tiêu cụ thể cho giai đoạn này là phấn đấu có 9 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM; xây dựng 104/111 xã đạt chuẩn NTM; nâng cao thu nhập của người dân nông thôn gấp 2 lần so với thu nhập đầu người khu vực nông thôn của tỉnh năm 2015; đưa 22 xã đặc biệt khó khăn ra khỏi diện xã khu vực III, trong đó có ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM. Trên cơ sở đó, Quảng Ninh tiếp tục nâng chuẩn các xã cơ bản đạt tiêu chí NTM. Đối với những xã đã đạt chuẩn NTM thì cần nâng cấp các chỉ tiêu, tiêu chí NTM, mà theo như Quảng Ninh gọi là “Nông thôn tiên tiến”. Khi đó, bộ mặt nông thôn thay đổi căn bản, từng bước hình thành các khu đô thị trong nông thôn để đô thị không còn xa lạ với người nông dân. Nền sản xuất nông nghiệp, kinh tế khu vực nông thôn được thay đổi căn bản theo hướng sản xuất hàng hoá, biến người nông dân thành người công nhân sản xuất nông nghiệp. Đời sống của người nông dân tương đương với người dân ở đô thị cả về vật chất lẫn tinh thần và các phúc lợi xã hội; xoá dần khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Môi trường nông thôn khi đó sạch sẽ, văn minh, có thể là những điểm đến tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước. Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, mục tiêu sẽ xây dựng nền sản xuất mới không chỉ là sản xuất hàng hoá, mà là sản xuất nông nghiệp an toàn phục vụ du lịch và xuất khẩu.
- Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
Hữu Việt (thực hiện)
Ý kiến ()