Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:46 (GMT +7)
Nâng cấp công trình phòng chống thiên tai
Thứ 4, 05/06/2024 | 11:12:07 [GMT +7] A A
Với đặc điểm tự nhiên 3/4 diện tích là đồi núi và 250km bờ biển, Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại hình thiên tai, trong đó phổ biến là bão biển, mưa lớn gây lũ, sạt lở, xâm nhập mặn... Trước thực tiễn này, tỉnh đã tập trung củng cố, nâng cấp cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước do thiên tai gây ra.
Khu vực Hà Nam (TX Quảng Yên) có tuyến đê dài gần 34km, là tuyến đê cấp III duy nhất trên địa bàn tỉnh với nhiệm vụ bảo vệ hơn 5.100ha và gần 6 vạn người sinh sống trên đảo Hà Nam. Vùng này có 2/3 diện tích tự nhiên trong đảo thấp hơn mực nước biển, do đó mức độ ảnh hưởng đến đời sống KT-XH là rất lớn nếu xảy ra vỡ đê. Từ lâu, tuyến đê Hà Nam được xác định là trọng điểm số 1 trong công tác phòng, chống thiên tai hằng năm của tỉnh. Nhằm cứng hóa chiều dài toàn bộ tuyến đê, phát huy tối đa hiệu quả trong công tác phòng, chống mưa bão, triều cường, tỉnh đã tập trung nguồn lực và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của trung ương để tiến hành tu bổ, nâng cấp toàn tuyến với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Hiện tuyến đê Hà Nam có thể chịu gió bão cấp 10, cộng thủy triều 5%.
Cùng với nâng cấp, tu bổ tuyến đê Hà Nam, giai đoạn 2021-2023, từ sự hỗ trợ của Trung ương và việc triển khai các giải pháp lồng ghép, kết hợp đa mục tiêu từ nguồn vốn thực hiện với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển KT-XH, tỉnh đã triển khai 156 nhiệm vụ, dự án để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình lưỡng dụng và các nhiệm vụ phòng chống thiên tai với tổng kinh phí trên 1.895 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh triển khai 17 nhiệm vụ, dự án (3 dự án xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước, 3 dự án khu neo đậu tránh trú bão, 11 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu, 3 dự án duy tu bảo dưỡng đê, 2 dự án trồng, chăm sóc bảo vệ rừng...) với tổng kinh phí 1.636 tỷ đồng. Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh triển khai thực hiện 39 nhiệm vụ, dự án, tập trung vào việc khắc phục, sửa chữa một số công trình hư hỏng do mưa lũ trên địa bàn tỉnh, triển khai các lớp tập huấn phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai với tổng kinh phí trên 59 tỷ đồng. Nguồn ngân sách cấp huyện, xã triển khai thực hiện trên 100 nhiệm vụ, dự án với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng.
Nhờ sự chủ động bổ sung, lồng ghép các nguồn lực, hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố, nâng cấp hoàn thiện góp phần nâng cao sức chống chịu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh tuyến đê Hà Nam, hiện hệ thống đê của tỉnh có thể chịu được sóng gió cấp 9, kết hợp thủy triều 10%. Toàn tỉnh có 4 khu neo đậu tránh trú bão đã được Bộ NN&PTNT công bố đủ điều kiện hoạt động để tàu thuyền về tránh trú khi có tình huống thiên tai xảy ra. Bao gồm: Khu neo đậu Tiến Tới (huyện Hải Hà), khu neo đậu Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả), khu neo đậu Vụng Sú Thoi Dây (huyện Đầm Hà), khu neo đậu Tiên Yên (huyện Tiên Yên).
Cùng với đó, đã có 4/5 đập, hồ chứa thủy lợi có cửa van điều tiết lũ, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành và 14/16 đập, hồ chứa thủy lợi đã được lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn hạ du. Về phía các đơn vị ngành Than cũng đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, nạo vét, củng cố các hệ thống thoát nước trong khai trường, xử lý, khắc phục sạt lở và trồng cây 440ha phủ xanh trên các khai trường, bãi thải.
Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) cho biết: Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai đã và đang phát huy hiệu quả trong phòng chống thiên tai và phát triển KT-XH ở các địa phương. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2024 là năm chuyển pha ENSO sang trạng thái La Nina nên thường có những biến động mạnh. Từ đầu năm 2024 tới nay đã xảy ra các hiện tượng cực đoan như dông lốc kèm mưa đá xuất hiện tại các địa phương Đông Triều, Hạ Long ngày 29/3 và 20/4; tại TX Quảng Yên đã xảy ra sụt lún đất ngày 5/2 và dông lốc, sét ngày 25/4, 13/5... gây thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân. Dự báo thiên tai tiếp tục có những diễn biến rất khó lường và cực đoan, trong khi đa phần các tuyến đê trên địa bàn tỉnh hiện nay mới chỉ chịu đựng được tối đa bão cấp 9 triều cường 5-10%, trong khi cường độ các cơn bão có xu hướng ngày càng tăng, nên sự bảo đảm an toàn các tuyến đê của tỉnh chưa cao. Do vậy cần sớm có chủ trương cho phép triển khai xây dựng thực hiện Đề án Nâng cao an toàn hệ thống đê điều tỉnh Quảng Ninh để rà soát nâng cấp các tuyến đê xung yếu của tỉnh để nâng cao an toàn cho hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()