Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:53 (GMT +7)
Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái
Thứ 6, 06/10/2023 | 14:04:03 [GMT +7] A A
Theo ý kiến của các chuyên gia, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, phải giải quyết “gốc rễ” của vấn đề này, đó chính là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai, con gái. Từ đó, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn.
Nhằm nâng cao vị thế của trẻ em gái, năm 2011 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 11/10 hằng năm làm ngày Quốc tế trẻ em gái. Mục đích là tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn.
Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2023 có chủ đề: "Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh" nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái. Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, ngành trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó từng bước góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, năm 2022 tỷ số giới tính khi sinh là 111,12 bé trai/100 bé gái, đạt kế hoạch đề ra. Quảng Ninh thuộc vùng mức sinh thay thế. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh đã được kiểm soát, nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng trở lại do tư tưởng thích sinh con trai hơn con gái vẫn còn tồn tại. Tại một số địa phương, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn nặng nề, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Đây là rào cản lớn để thực hiện bình đẳng giới đối với công tác DS-KHHGĐ.
Vì thế, các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức được Chi cục DS-KHHGĐ triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả thông qua nhiều hình thức. Các nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền những văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh; nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...
Nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh được lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt, hoạt động văn hóa - văn nghệ; duy trì hoạt động các mô hình dân số, các CLB: “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, “Giới và bình đẳng giới”... Đặc biệt mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” được triển khai ở 177/177 xã, phường, thị trấn đã tập trung thay đổi nhận thức của người dân về giới tính; công tác truyền thông được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của nhân dân các địa phương.
Tại các trường học, các thầy, cô giáo cũng trở thành người dẫn dắt, định hướng cho học sinh có những nhận thức đúng đắn về giới. Điển hình như tại Trường TH-THCS Điền Xá (xã Điền Xá, huyện Tiên Yên) thầy, cô giáo đã có cách lồng ghép bài học về giới, giới tính vào trong từng buổi học.
Cô giáo Hoàng Thúy Kiều, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Điền Xá, chia sẻ: Đối với học sinh THCS, chúng tôi lồng ghép trong các tiết học giáo dục công dân. Với học sinh tiểu học thì xây dựng nhiều hoạt động ngoại khóa, chuẩn bị các pano, áp phích sinh động... Từ những kiến thức ấy, các em sẽ trở thành những thế hệ công dân không còn định kiến lạc hậu về giới, biết đối xử công bằng giữa nam và nữ, để từ đó xây dựng một xã hội không còn định kiến giới.
Có thể thấy, bằng các chính sách và hành động cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới trên nhiều lĩnh vực. Việc giải quyết những vấn đề xã hội về bình đẳng giới, định kiến giới ở vùng đồng bào DTTS cũng đã có được những chuyển biến tích cực. Điều này thể hiện ở việc các điều kiện về dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa... ngày càng được cải thiện, giúp cả nam và nữ giới đều có cơ hội nâng cao năng lực bản thân, tham gia tốt hơn vào sự phát triển KT-XH.
Vân Anh
- Khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí các dị tật mắt cho trẻ em huyện Tiên Yên
- 3200 - là số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Quảng Ninh
- Nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
- Đêm hội trăng rằm cho trẻ em vùng cao
- Chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em
- Đồng hành cùng phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số
Liên kết website
Ý kiến ()